Mùa vụ năm 2018, dự kiến vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ đạt sản lượng cao
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT)
Theo UBND tỉnh Hải Dương, kế hoạch sản xuất vải năm 2018 của tỉnh có khoảng 10.500 ha vải quả, trong đó vải sớm 2.500 ha, vải thiều 8.000 ha. Vải được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP 300 ha, trong đó Thanh Hà 250 ha, Chí Linh 50 ha. Vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU gồm 13 vùng, diện tích 131,68 ha.
Năm nay, vải có nhiều điều kiện thuận lợi để sinh trưởng. Mùa Đông Xuân 2017-2018 rét đến sớm từ cuối tháng 11; tháng 12, tháng 1 nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, toàn mùa có 5 đợt rét đậm, rét hại đã tạo điều kiện cây vải phân hóa mầm hoa, các trà vải đều có tỷ lệ cây ra hoa đạt rất cao, trên 95%. Mặt khác, giai đoạn vải nở hoa, đậu quả vào tháng 3 và đầu tháng 4, thời tiết ấm, ít mưa nên thuận lợi; sâu bệnh phát sinh gây hại ít, tỷ lệ đậu quả cao, vải rất sai quả.
Dự kiến, năm nay, tổng sản lượng vải của Hải Dương đạt khoảng 55.000 - 60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017, thu hoạch từ 15/5 đến hết tháng 6. Trong đó, Thanh Hà khoảng 35.000 tấn, Chí Linh trên 15.000 tấn. Với trà vải sớm, hiện đang trong giai đoạn quả non đến vào cùi, thu hoạch dự kiến từ ngày 15/5 đến 5/6/2018, sản lượng dự kiến khoảng 20.000 tấn (chủ yếu tại Thanh Hà 18.000 tấn).
Với trà vải thiều chính vụ, thu hoạch dự kiến từ ngày 5/6 -30/6/2018, tập trung từ 10-25/6/2018. Với trà vải này, hiện nay vừa đậu quả; sản lượng dự kiến 35.000-40.000 tấn, tập trung tại Thanh Hà 20.000 tấn, Chí Linh 15.000 tấn.
Nhằm tập trung cho công tác chăm sóc cũng như tiêu thụ, ngay từ đầu vụ vải 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương trọng điểm trồng vải trên địa bàn tỉnh tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân tích cực đốn tỉa, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm vải của tỉnh.
Cùng với đó, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất vải theo quy trình VietGAP cho trên 8.000 ha nhằm đảm bảo sản lượng trên 35.000 tấn, đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận vải VietGAP cho 300 ha và hỗ trợ duy trì 13 vùng, diện tích vải trên 131 ha được cấp mã số vùng theo kế hoạch để sẵn sàng vùng nguyên liệu đảm bảo sản lượng, chất lượng phục vụ xuất khẩu đi các thị trường khó tính Mỹ, Úc, EU và các nước.
Chỉ đạo hai vùng trọng điểm sản xuất vải trong tỉnh (huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh) chủ động tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về điện, đường giao thông, bến bãi để các thương nhân, công ty, doanh nghiệp về địa phương liên kết sản xuất, thu mua, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ vải.
Nhằm giúp cho công tác tiêu thụ vải trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi, UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường truyền thống, các thị trường gần và có nhiều tiềm năng như: Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Mời gọi, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ vải trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu vải năm 2018. Nắm bắt, dự báo và thông tin chính xác về thị trường vải (nhất là thị trường Trung Quốc) để các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tiêu thụ. Tránh tình trạng ế thừa và ùn tắc tại các cửa khẩu như những năm trước.
Đặc biệt, hướng dẫn và hỗ trợ Hải Dương và các doanh nghiệp xuất khẩu vải về chính sách thị trường, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu vải. Trong đó, bao gồm các yêu cầu về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc, Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Cùng với đó, nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật bảo quản, chế biến vải thiều để kéo dài thời gian bảo quản vải, giúp việc tiêu thụ thuận lợi và mở rộng thị trường xuất khẩu vải bằng đường biển.
Hải Dương kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo các siêu thị, các doanh nghiệp lớn đang chế biến, tiêu thụ nông sản trong nước chung tay đẩy mạnh hợp đồng từ thời điểm hiện nay để thu mua, tiêu thụ vải tại Hải Dương. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các báo, đài, kênh truyền hình tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền về vải, phát vào khung giờ vàng để doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước biết và tiêu thụ vải tốt hơn. Ngoài ra, chỉ đạo và định hướng tuyên truyền trong mùa thu hoạch vải, để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tiêu thụ, giảm giá vải trong mùa thu hoạch./.