Hải Phòng:Tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tiếp ở mức hai con số

Thứ ba, 10/12/2024 19:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Năm 2024, tình hình kinh tế xã hội Hải Phòng vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, có 16/19 chỉ tiêu đạt hoặc vượt mục tiêu; nổi bật là tốc độ GRDP ước đạt 10,55%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp, TP Hải Phòng tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số và thu hút FDI đạt 3,35 tỷ USD. Năm 2025, TP Hải Phòng lấy chủ đề là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hải Phòng, năm 2024, thành phố có 16/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND thành phố giao. Năm 2024, tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng ước đạt 10,55%, thể hiện sự phát triển bền vững của thành phố và vai trò động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Khu vực công nghiệp hồi phục tích cực với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33,25 tỷ USD, nhập khẩu đạt 25,48 tỷ USD tương ứng tăng 9,5% và tăng 4,6% so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 109.387,6 tỷ đồng, tương đương 111,8% dự toán Trung ương giao và 102,5% dự toán HĐND thành phố giao. Vốn đầu tư toàn xã hội tại Hải Phòng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so vói cùng kỳ năm 2023.

Đô thị Hải Phòng ngày càng hiện đại 

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP Hải Phòng, tổng vốn đầu tư FDI năm 2024 ước đạt 3,35 tỷ USD, tăng 92,52% so với năm trước. Các chỉ tiêu xã hội của Hải Phòng đều đạt kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là chỉ tiêu về số lao động được giải quyết việc làm vượt 7,08% so với kế hoạch năm và không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trên địa bàn thành phố. Các chỉ tiêu môi trường đều đạt mục tiêu kế hoạch để ra.

TP Hải Phòng hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các Khu công nghiệp: Nam Tràng Cát, Tràng Duệ 3, Giang Biên II, Vinh Quang; hoàn thành quy hoạch Khu công nghiệp Thủy Nguyên, Trung Lập, Cầu Cựu, Nhật Bản - Hải Phòng, Ngũ Phúc, Tân Trào, Sân bay Tiên Lãng; hoàn thiện các thủ tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An; thành lập 4 cụm công nghiệp tại Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương và triển khai các thủ tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10 cụm công nghiệp.

Về hạ tầng giao thông, TP Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; kêu gọi đầu tư các bến còn lại. Đồng thời, nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các bến khởi động Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối hành lang kinh tế Việt - Trung. Trong năm 2024, TP Hải Phòng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình triển khai các dự án liên kết vùng quan trọng; phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nạm triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay (giai đoạn) và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

Về phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, tính đến 15/10/2024, TP Hải Phòng có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Hải Phòng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Năm 2025, TP Hải Phòng lấy chủ đề: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”. Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát là cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - cộng nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; phấu đấu đưa Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. TP Hải Phòng sẽ hoàn thành việc di chuyển Trung tâm hành chính sang phía Bắc Sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cảng biển tại TP Hải Phòng 

Hải Phòng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) tăng khoảng 10,47% so với năm 2024; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 14%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 44,3%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 68%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 8.983 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 116.563,6 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 215.000 tỷ đồng; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 212 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt trên 10 triệu lượt khách; thu hút 2,65 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025) là 0%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh ở đô thị đạt 100%; nông thôn: thu gom, xử lý đạt 98%, xử lý hợp vệ sinh đạt 91,9%; nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật 40,77%.

TP Hải Phòng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp, các ngành triển khai thực hiện: Mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tập trung hiện đại hóa đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, liên kết vùng; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội./.

Ngô Quảng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực