|
Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P) |
Nguy cơ buôn lậu gia tăng vào dịp Tết
Theo Tổng cục Hải quan, dịp cuối năm và cao điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán thường là thời gian các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp nhất. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn này, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng điện tử và các loại hàng hóa giá trị cao.
Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, không chỉ sản xuất trong nước mà còn nhập khẩu từ nước ngoài qua nhiều con đường khác nhau, từ nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch đến gian lận thương mại. Thêm vào đó, các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến qua thương mại điện tử, mạng xã hội và dịch vụ chuyển phát nhanh để thực hiện các hành vi vi phạm, từ buôn lậu hàng cấm đến kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Tổng cục Hải quan cảnh báo rằng các tuyến biên giới, cảng biển và sân bay quốc tế sẽ là những địa bàn trọng điểm của các hoạt động buôn lậu trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Trên tuyến biên giới phía Bắc, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các khu vực đối diện cửa khẩu của Trung Quốc, nơi có các trung tâm thương mại, kho hàng lớn với hoạt động khuyến mãi, giảm giá mạnh để mua gom hàng hóa. Những mặt hàng phổ biến bao gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi, hàng tiêu dùng giá rẻ. Sau đó, hàng hóa được vận chuyển trái phép qua biên giới để tiêu thụ trong nội địa.
Tuyến biên giới miền Trung, đặc biệt khu vực tiếp giáp Lào, tập trung vào các hoạt động buôn lậu pháo nổ, động vật hoang dã, xăng dầu lậu và hàng tiêu dùng như đường cát, bia, nước giải khát, rượu và các chất ma túy. Các đối tượng thường chia nhỏ hàng hóa, vận chuyển bằng xe khách, xe máy vào những khung giờ khó kiểm soát như ban đêm hoặc ngày nghỉ lễ.
Tuyến biên giới phía Nam, giáp Campuchia, nổi lên tình trạng buôn lậu pháo nổ, thuốc lá điếu, đường kính, mỹ phẩm, tiền tệ, vàng và các hàng hóa dân dụng. Các đối tượng lợi dụng địa hình bằng phẳng, dễ dàng vận chuyển và tổ chức các điểm tập kết hàng hóa ngay sát biên giới để chờ cơ hội đưa vào nội địa tiêu thụ.
Tại các cảng biển lớn như Hải Phòng, Cát Lái (TP. HCM), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), hàng hóa vi phạm thường liên quan đến các loại hình quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất. Đáng chú ý, tại một số tuyến biển miền Trung, có hiện tượng ma túy gắn định vị trôi dạt trên biển.
Trên tuyến hàng không, các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh là những điểm nóng với các hành vi vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, kim cương, thuốc tân dược, mỹ phẩm và hàng điện tử. Các đối tượng thường lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh hoặc hàng xách tay, quà biếu để buôn lậu.
Giải pháp triển khai đồng bộ
Trước những diễn biến phức tạp này, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Kế hoạch tập trung vào việc quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, đảm bảo an ninh trật tự và ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết.
Các đơn vị hải quan được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổng cục Hải quan nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo không để các địa bàn trở thành điểm nóng về buôn lậu là nhiệm vụ hàng đầu.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Đầu tiên là tăng cường thu thập thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình để xác định các tuyến, mặt hàng và đối tượng trọng điểm.
Công tác giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và hành lý hành khách cũng được siết chặt, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có nguy cơ thẩm lậu hoặc quay vòng vào nội địa. Các đơn vị hải quan tập trung kiểm soát các lô hàng có giá trị cao, hàng cấm và các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện tử, rượu bia và pháo nổ.
Trong phòng chống ma túy, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp nghiệp vụ đặc thù trên tất cả các tuyến và địa bàn. Các vụ việc liên quan đến ma túy sẽ được xử lý chặt chẽ, bí mật từ khâu điều tra ban đầu đến kết thúc.
Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an và Cảnh sát biển để chia sẻ thông tin, hỗ trợ phát hiện và bắt giữ các đối tượng vi phạm.
Những nỗ lực của ngành hải quan trong việc tăng cường kiểm soát và đấu tranh chống buôn lậu không chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng mà còn góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường dịp cuối năm. Việc ngăn chặn các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại giúp đảm bảo nguồn cung hàng hóa chất lượng, đồng thời bảo vệ lợi ích ngân sách nhà nước trước những thất thoát tiềm tàng.
Bên cạnh các biện pháp kiểm soát, Tổng cục Hải quan cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh để tuân thủ các quy định pháp luật, cùng góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp đồng bộ, ngành hải quan kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần mang lại một mùa Tết an toàn, ổn định cho người dân và doanh nghiệp./..