![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/12/26/upload_43/image-6483441-1.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề: “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Theo thống kê của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Để thực thi hiệu quả CPTPP, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tích cực trao đổi với các nước thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/12/26/upload_43/image-6483441-2.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề: “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia mặc dù đã tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường CPTPP, nhưng thông tin từ hội nghị cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để khai thác tốt hơn cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng: Dù đã đạt được những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khá tích cực, nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia CPTPP, nên để duy trì tăng trưởng xuất khẩu như những năm đầu tiên là một thách thức không nhỏ. Trong đó, cụ thể, với thị trường châu Mỹ thì khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu đó là khoảng cách địa lý xa xôi dẫn đến chi phí về logistics, chi phí vận tải gia tăng, nhất là sau tác động của dịch COVID-19. Trong khi đó, châu Mỹ cũng là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lao động trong sản xuất. Đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP.
Ông Lương Hoàng Thái cũng cho rằng: Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được những vướng mắc về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế của Hiệp định CPTPP. Nhận thức về Hiệp định CPTPP của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, và còn chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ CPTPP.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ CPTPP, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung để giải quyết những khó khăn kể trên, để Hiệp định CPTPP tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.