Hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ở Sơn La

Thứ hai, 10/06/2019 10:01
(ĐCSVN) - Những năm qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm thực hiện đồng bộ việc phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, Sơn La đã luôn duy trì được diện tích rừng ổn định và phát triển theo từng năm…
Người dân Sơn La tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng trồng (Ảnh: MH)

Xuất phát từ đặc điểm tình hình địa phương và tập quán, thói quen sản xuất của người dân, các cấp chính quyền ở tỉnh Sơn La đã chủ động thực hiện tốt việc giao rừng để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Theo đó, phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn đã được giao cho cộng đồng và diện tích rừng sản xuất giao cho các hộ gia đình quản lý.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án phòng chống cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020, hồ sơ bản đồ trọng điểm cháy rừng, quán triệt, gắn trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng đối với chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể và các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ phát triển rừng; triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân và hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản và phòng chống cháy rừng.

Đặc biệt, trong những tháng cao điểm của mùa khô hanh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm thực hiện nghiêm túc chế độ trực theo dõi, nắm tình hình, bảo đảm thông tin liên lạc, tăng cường lực lượng, bố trí những cán bộ kiểm lâm có kinh nghiệm cho cơ sở, tập trung vào những địa bàn trọng điểm. Tổ chức trực theo dõi diễn biến thời tiết, theo dõi cảnh báo cháy rừng qua bản đồ vệ tinh của Cục Kiểm lâm, thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng, phát hiện sớm các điểm cháy rừng, chủ động huy động lực lượng tham gia chữa cháy. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở vận động và hướng dẫn nhân dân chấp hành quy định về canh tác nương rẫy, nghiêm cấm việc đốt nương và sử dụng lửa vào thời gian cao điểm mùa khô hanh; huy động nhân dân làm đường băng cản lửa giữa các khu vực sản xuất nương rẫy với các khu rừng có nguy cơ cháy; tu sửa, bổ sung hệ thống biển báo, biển cấm, bảng quy ước, nội quy, bảo vệ rừng…

Ông Lò Văn Kha ở xã Nặm Păm, huyện Mường La cho biết: “Qua tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể, người dân trong bản đã tự bảo nhau nâng cao ý thức trong bảo vệ và phát triển rừng bởi rừng chính là sinh kế của bà con”.

Được biết, chỉ tính riêng trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã phối kết hợp cùng chính quyền cơ sở tổ chức hơn 300 đợt tuyên truyền tại các xã, bản về công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô với sự tham gia của trên 42.000 lượt người nghe; tổ chức ký cam kết bảo vệ bổ sung cho diện tích 602.291 ha rừng. Nhờ vậy, năm 2018, toàn tỉnh Sơn La chỉ để xảy ra 2 vụ cháy rừng tại huyện Vân Hồ và Mường La.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ 427 vụ vi phạm, giảm 75 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, số vụ vi phạm phá rừng làm nương rẫy là 154 vụ, thiệt hại hơn 18ha rừng; 25 vụ khai thác lâm sản trái phép; 72 vụ cất giữ lâm sản; 151 vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép… Hiện đã ra quyết định xử lý hành chính 382 vụ; khởi tố điều tra 4 vụ án vi phạm.

 

Diễn tập phòng chống cháy rừng ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La (Ảnh: MH)

Cùng với bảo vệ rừng, việc trồng mới rừng tại các địa phương ở Sơn La cũng được thực hiện đúng kế hoạch và có chất lượng. Trên cơ sở công tác tuyên truyền, vận động người dân, các huyện, thành phố hàng năm đều chủ động xây dựng kế hoạch trồng mới và khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm giống cây trồng, phương tiện, lực lượng thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2018, bình quân hàng năm toàn tỉnh Sơn La đều trồng mới được khoảng trên 2.000 ha rừng. Năm 2018, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 44%. Theo kế hoạch năm 2019, dự kiến tỉnh Sơn La sẽ thực hiện trồng mới 2.600ha rừng; khoanh nuôi tái sinh phục hồi hơn 40.000ha rừng; trồng 1 triệu cây phân tán; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 44,5%.

Đồng chí Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ, song song với việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, Sơn La luôn chú trọng công tác phát triển mới rừng gắn với xây dựng sinh kế cho người dân. Do đó, đến nay cơ bản bà con đều yên tâm gắn bó với rừng theo hướng kết hợp giữa khoanh nuôi, bảo vệ với khai thác, phát triển rừng.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu nên công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn. Mặt khác, với đặc thù tỉnh miền núi, nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Sơn La cũng có nhiều hạn chế. Với quyết tâm bảo vệ, phát triển rừng bền vững vì cuộc sống tương lai, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng tận gốc, tổ chức khoanh vùng xác định các điểm, khu vực có nguy cơ cháy cao. Tiếp tục giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế theo quy định. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 16 dự án thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai các hạng mục thuộc dự án trồng, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện các giải pháp khai thác sử dụng có hiệu quả rừng trồng là rừng sản xuất, gắn với cơ chế và các điều kiện ràng buộc trồng lại rừng sau khai thác, nhằm duy trì sự phát triển ổn định của rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Đó là cơ sở để Sơn La tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững./.

Bài, ảnh: Hoàng Mạnh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực