Bà Nguyễn Thị Thận ở bản Chèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) chăm sóc đàn trâu của gia đình. (Ảnh: Như Quỳnh)
Năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đà Bắc được thành lập và đi vào hoạt động với các chương trình chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm đạt tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng. Sau gần 14 năm hoạt động, đã có 13 chương trình tín dụng ưu đãi áp dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua các đoàn thể quần chúng. Đến hết năm 2016, toàn huyện đã có trên 9.500 hộ được vay với tổng dư nợ hơn 240 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hầu hết các hộ đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi đại gia súc hàng hóa, đã có hàng nghìn hộ được vay vốn thoát nghèo.
Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc Nguyễn Bình Nam cho biết: Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn, NHCSXH huyện Đà Bắc đã rà soát, kiểm tra hoạt động tại các tổ tiết kiệm vay vốn. Hiện, toàn huyện đã thành lập được trên 240 tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại hầu hết các thôn, bản, khu dân cư. Do chương trình cho vay hộ nghèo được áp dụng tại huyện nghèo nên lãi suất là 2,7%/năm, thời gian cho vay dài hạn từ 3 - 5 năm, hầu hết các hộ vay vốn đều nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc việc trả lãi hàng tháng và trả gốc đúng thời gian quy định. Tỷ lệ nợ quá hạn toàn huyện chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ. Cơ bản các hộ gia đình đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, tích cực đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, số hộ nghèo ở các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc hàng năm đều giảm xuống đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thận, dân tộc Mường ở bản Chèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) phấn khởi chia sẻ: “Nằm trong diện nghèo ở bản, năm 2011, được tuyên truyền, vận động tham gia vào tổ tiết kiệm vay vốn của bản, thông qua tổ chức Hội Nông dân, gia đình tôi được các thành viên trong tổ xét duyệt hồ sơ, tạo điều kiện cho vay vốn. Với 20 triệu đồng, tôi mua được 2 con trâu sinh sản. Sau hơn 1 năm, trâu đẻ thêm được 2 con. Với giá trung bình từ 10 - 12 triệu đồng/con; tôi đã bán 1 con nghé để trả lãi hàng tháng và đầu tư mua thêm 10 con dê về nuôi”.
Năm 2015, ngoài việc thoát nghèo, gia đình bà Nguyễn Thị Thận đã hoàn thành trả gốc trước kỳ hạn cho NHCSXH huyện Đà Bắc. Đến nay, gia đình bà Thận đã phát triển đàn gia súc lên 4 con trâu, gần 20 con dê với tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Là xã khó khăn của huyện Đà Bắc, Tân Pheo hiện có 903 hộ, sinh sống ở 7 xóm; trong đó số hộ nghèo là 656 hộ nghèo, chiếm trên 72% và 116 hộ cận nghèo, chiếm gần 13%. Thu nhập của người dân ở Tân Pheo chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có ngành nghề phụ nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các chương trình, dự án, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện Đà Bắc đã triển khai cho vay các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, đối tượng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Hiện, xã Tân Pheo đang có 12 tổ tiết kiệm vay vốn, thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 12,9 tỷ đồng với 605 hộ còn dư nợ.
Từ nguồn vốn vay hộ nghèo, các hộ đầu tư phát triển sản xuất, chủ yếu là phát triển chăn nuôi đại gia súc, hiện, tổng đàn gia súc tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước; nhiều hộ vươn lên đạt mức thu nhập khá. Đời sống được cải thiện, bà con trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhau đóng góp công sức, nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn.
Chủ tịch UBND xã Tân Pheo Bàn Thanh Sơn cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi đã cơ bản giải quyết được yêu cầu bức thiết nhất về nguồn vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy, sau khi được vay vốn, các gia đình đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình, trả nợ vốn vay đúng hạn”.
Thực tế nguồn vốn tín dụng vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở huyện Đà Bắc thời gian qua đã phát huy tương đối tốt tác dụng trong giúp người dân có điều kiện mở rộng sản xuất. Theo ông Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, chỉ cần người dân có nhu cầu, có đủ điều kiện vay vốn là sẽ được đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người dân trên địa bàn huyện chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do chưa nắm rõ thông tin. Bên cạnh đó, còn tình trạng một số ít hộ đồng bào dân tộc chưa biết cách làm ăn nên không dám vay, dù là vốn ưu đãi. Bởi vậy, thời gian tới, NHCSXH huyện Đà Bắc sẽ tăng cường việc phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể vừa tích cực tuyên truyền, vận động; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo tiêu chí; tiếp tục củng cố, nguồn vốn vay ưu đãi và nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hoàn thành đầy đủ chỉ tiêu tín dụng được giao nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương./.