Đà Bắc là một huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, với điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, phần lớn đất đai của huyện Đà Bắc được hình thành từ các đá mẹ có nguồn gốc đá vôi, đất có tầng dày trung bình 50-80 cm, riêng ở các thung lũng đất có tầng dày hơn 1m, rải rác có các cao nguyên rộng khá bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhất là với các loại cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu... Nguồn nước tương đối dồi dào do có các con suối lớn như suối Chum, suối Trầm, suối Láo, suối Nhạp,… và hệ thống các hồ, bãi giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là nguồn nước từ sông Đà tạo thuận lợi cho phát triển trồng trọt và nghề nuôi trồng thủy sản…
Điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây lúa, đặc biệt là giống lúa Japonica. Lúa khỏe, đẻ nhánh, trổ bông tập trung, hạt thóc đều và tròn. Lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hạt đậu, ít rụng, chịu lạnh, thích ứng tốt. Đặc biệt, năng suất và chất lượng gạo ngon dẻo, thơm, phù hợp với thị trường. Trung bình 1 m2 thu 1,2 kg thóc, tương đương 8 tấn/ha, cao hơn 30% so với các giống lúa thông thường. Diện tích giống lúa J02 của huyện khoảng 200 ha. Giống lúa J02 là giống chất lượng cao, cơm mềm, vị đậm, thơm, ăn ngon được thị trường ưa dùng, hiện bán trên thị trường rất thuận lợi và được giá.
|
|
Một buổi tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc” tại Hoà Bình. (Ảnh: Thanh Trì) |
Với thế mạnh chất lượng sản phẩm, tiềm năng đất đai, khí hậu, huyện Đà Bắc đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc trong huyện. Giá bán gạo bình quân năm 2016 khoảng 15.000 đồng/kg, đến nay khoảng 18.000 đồng/kg đến 22.000 đồng/kg sản lượng khoảng 1.200 tấn. Như vậy, một năm huyện Đà Bắc có thu nhập từ gạo J02 khoảng trên 20 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nhận thấy được giá trị kinh tế mà gạo J02 mang lại và hỗ trợ cho phát triển kinh tế của huyện Đà Bắc, thực hiện Quyết định số 2635/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc” dùng cho sản phẩm gạo J02 của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ đã tiến hành phối hợp với Hội Nông dân huyện Đà Bắc xây dựng, thiết kế mẫu logo, tem chống hàng giả, nhãn sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện các công cụ để quản lý và kiểm soát việc sử dụng mang nhãn hiệu tập thể (NHTT) như quy chế và quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHTT (quy định kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm chất lượng và vi phạm NHTT…), quy trình kiểm soát chất lượng của sản phẩm bao gồm kiểm soát từ khâu giống, kiểm soát quy trình sản xuất, kiểm soát khâu đóng gói sản phẩm (thành phẩm); lập và nộp hồ sơ đăng ký mang nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc”, sản xuất các phương tiện quảng bá sản phẩm “Gạo Đà Bắc” mang nhãn hiệu tập thể.
Theo Quyết định số 9243/QĐ-SHTT ngày 18/10/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đối với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc” dùng cho sản phẩm gạo J02 của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là dấu mốc quan trọng của người nông dân huyện Đà Bắc (đây cũng là sản phẩm đầu tiên được xây dựng nhãn hiệu tập thể và xác lập quyền sở hữu tại Cục Sở hữu trí tuệ).
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng, kinh doanh gạo Đà Bắc. Qua đó, thể hiện trách nhiệm, cam kết về chất lượng sản phẩm của người trồng, sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận biết và có thái độ tin cậy đối với sản phẩm “Gạo Đà Bắc” có nguồn gốc rõ ràng, tránh việc gạo của những nơi khác trà trộn, lấy danh nghĩa “Gạo Đà Bắc” để kinh doanh thu lợi bất chính, chất lượng không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng tới danh tiếng của sản phẩm.
Thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, sản phẩm “Gạo Đà Bắc” sẽ được quản lý và kiểm soát về mặt chất lượng, quy trình đóng gói, quy trình bảo quản mở ra cơ hội lưu thông sản phẩm đặc sản địa phương trên thị trường với số lượng lớn và tăng giá trị, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, là động lực phát triển nông thôn mới và nâng cao danh tiếng huyện Đà Bắc với các địa phương khác trong tỉnh Hòa Bình và cả nước./.
TS. Vương Thị Thanh Trì