Ngày 11/11, tại Hà Nội, Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Người nông dân Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm, giảng viên các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương.
|
Hội thảo khoa học quốc gia “Người nông dân Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”. (Ảnh: VA) |
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết chỉ rõ: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới... Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết khẳng định mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa ba thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong một chỉnh thể thống nhất. Trong đó, nông dân là chủ thể nòng cốt của quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới và nâng cao mọi mặt đời sống nông thôn.
TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới và chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nông dân nước ta với tư liệu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sản xuất gắn với đặc điểm tâm lý, văn hóa của xã hội nông thôn. Cuộc sống nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi thay từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), đặc biệt là công cuộc đổi mới (1986) đã tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện đời sống của người nông dân.
TS. Đặng Xuân Thanh đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến vị thế, vai trò của lực lượng lao động là người nông dân trong bối cảnh mới. Gợi mở các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân, góp phần xây dựng được hệ thống lý luận khoa học, hoàn thiện chính sách đối với nông dân trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, đề cập đến một số thay đổi trong nông nghiệp Việt Nam, TS.Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thu nhập của nông dân và dân cư nông thôn tăng nhanh nhưng tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp giảm dần, đồng thời chênh lệch so với dân cư thành thị tiếp tục có xu hướng doãng ra. Cụ thể, theo nguồn Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2010 - 2020, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng 3,25 lần. Tỷ trọng thu nhập từ nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 18,2%. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 7,1% so với 1,1% ở khu vực đô thị.
Điều kiện sống của nông dân được cải thiện rõ rệt nhưng nhiều nơi còn chậm. Năm 2020, cả nước có 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra là đạt 50%; bình quân mỗi xã đạt 16,38 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Để xuất giải pháp nâng cao năng lực, vai trò và vị thế của nông dân, TS. Cao Đức Phát nhấn mạnh: cần thiết kế hệ thống chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Tiếp tục cải thiện nhanh hơn môi trường sản xuất kinh doanh và sinh sống ở các vùng nông thôn như: đầu tư ngân sách kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tại, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn để hỗ trợ cho nông nghiệp, đồng thời tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn…
Sau Phiên toàn thể “Hướng đến nhận thức mới về nông dân Việt Nam”, Hội thảo được chia thành 2 tiểu ban: Tiểu ban 1 - Vị thế, vai trò của người nông dân trong bối cảnh mới; Tiểu ban 2 - Cơ hội và thách thức phát triển của nông dân Việt Nam.
Các nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ về những vấn đề liên quan như: Nhận diện một số thay đổi trong nông dân Việt Nam; vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn văn minh; vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và liên minh công – nông – trí thức trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu nhập của nông dân Việt Nam; sự bền vững của gia đình nông thôn Việt Nam; vấn đề hợp tác trong sản xuất nông nghiệp của nông dân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; mạng lưới xã hội trong nuôi trồng thủy sản của nông hộ tại huyện Bình Đại, Bến Tre…
Trên cơ sở phân tích thực trạng và làm rõ xu hướng biến đổi, các nhà khoa học đã làm rõ được những nội dung cụ thể có liên quan đến điều kiện có thể thực hiện nhằm nâng cao vai trò của người nông dân; nhận diện đặc trưng nhân khẩu học – xã hội học của lao động nông nghiệp hướng tới mục tiêu tạo ra những nhận thức mới về người nông dân hiện đại. Qua đó, khẳng định rõ vị thế, vai trò của lực lượng lao động này trong bối cảnh mới. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cho rằng, bối cảnh mới là cơ hội song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức nhất là trên con đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang ngày càng diễn ra phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và cuộc sống của các nông hộ, nhất là khi họ ở tại các vùng khó khăn, miền núi, ven biển hiện nay./.