Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, đòi hỏi cần sớm có giải pháp khắc phục để phát huy đúng bản chất của mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Sớm có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người nông dân thực sự là chủ trong xây dựng NTM.
Ảnh vietnamnet.vn
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010. Đây là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, có tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, môi trường ở nông thôn, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chương trình ra đời nhằm mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Thực hiện chủ trương trên, phong trào xây dựng NTM đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội.T
heo báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương (Văn phòng Điều phối), tính đến tháng 4/2017, cả nước đã có 2.656 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 263 xã so với cuối năm 2016. Bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã, tăng 0,39 tiêu chí so với cuối năm 2016.
Sau gần 7 năm triển khai, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2016 cũng đã bộc lộ một số tồn tại và hạn chế. Đến nay, về cơ bản, khung chính sách, pháp lý thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 đã có, nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm được ban hành, đã làm chậm tiến độ, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện của các địa phương; Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều, thiếu đồng bộ. Một số vấn đề khác như: Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hạn chế; chạy đua thành tích, thiếu cân bằng trong đầu tư, chênh lệch vùng miền, thiếu bền vững trong các tiêu chí đạt được; chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí môi trường, nợ đọng xây dựng cơ bản,... đã và đang nảy sinh trong thực tiễn xây dựng NTM và cần sớm có giải pháp khắc phục để phát huy đúng bản chất của mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, thiết nghĩ, cần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó định hướng rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho xây dựng NTM đến năm 2030 và có chương trình, nội dung đào tạo về xây dựng NTM cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ở các cấp trong hệ thống trường Đảng.
Vấn đề hoàn thiện lý luận và thực tiễn xây dựng NTM là vấn đề rộng lớn và mới, do đó cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá thực tiễn xây dựng, phát triển NTM ở nước ta để không ngừng hoàn thiện lý luận và thực tiễn. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ đạo xây dựng NTM ở các cấp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân tiếp tục nghiên cứu một số đề tài khoa học phục vụ kịp thời cho quá trình xây dựng NTM.
Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Sớm có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người nông dân và cộng đồng cư dân nông thôn thực sự là chủ trong xây dựng NTM. Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với cán bộ cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng NTM.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng, chính quyền ở các cấp và cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo chặt chẽ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm mà ở đó doanh nghiệp giữ vai trò quyết định, nhất là trong liên kết với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại và hộ dân. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực đảm bảo việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ở nông thôn; chỉ đạo xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa. Cần có chính sách khuyễn khích các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia xây dựng NTM.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn; khẩn trương xây dựng, bổ sung hoàn thiện sớm một số cơ chế, chính sách đảm bảo các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM phát triển bền vững; huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình. Tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới để tạo thêm kinh nghiệm và nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình.
Đến năm 2020, sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 đúng với tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008; kiểm tra, giám sát thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí hạ tầng cơ sở mà Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho địa phương như: Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông...; ban hành chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông dân. Tiếp tục hoàn chỉnh quy trình đánh giá và xét công nhận xã, huyện, thị xã và tỉnh đạt chuẩn NTM. Cần có quy định để các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia thẩm định, đánh giá công nhận NTM ở các cấp. Sớm sửa đổi, ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 210/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ năm 2020 đến năm 2030, tiếp tục kiên trì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tổng kết hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia cấp xã, huyện, tỉnh phù hợp yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai diện rộng mô hình xã NTM gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa – phát triển sản phẩm làng nghề (mỗi làng, xã một sản phẩm), phát triển du lịch hoặc liên kết với doanh nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản...
Để triển khai thực hiện mô hình xã NTM, cần tiếp tục theo dõi, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình xã NTM; xem xét các mô hình lý thuyết đã đề xuất, kết quả của 3 mô hình thử nghiệm; cho phép triển khai và nhân rộng các mô hình đó trong thời gian tới. Tăng cường nguồn lực cho xây dựng mô hình xã NTM.... Phải có cơ chế, chính sách đảm bảo môi trường sinh thái, vệ sinh môi trường nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở nông thôn..../.