Hội nghị Bộ trưởng giữa kì lần thứ 3 Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Thứ hai, 22/05/2017 17:27 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 22/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, Việt Nam rất hân hạnh tổ chức sự kiện này nhằm thúc đẩy đàm phán hướng tới kết thúc sớm. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến những diễn biến kinh tế-thương mại đáng lưu ý, nổi bật là việc tương lai của Hiệp định TPP trở nên khó dự đoán. Trong khi đó, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới với xu hướng hội nhập nhất quán. Trong bối cảnh đó, có thể thấy Hiệp định RCEP là FTA có quy mô lớn nhất đang được đàm phán hiện nay. Hiệp định RCEP đã và đang được các bên nỗ lực đàm phán với mong muốn tăng cường, mở rộng hội nhập kinh tế trên cơ sở quan hệ hợp tác tích cực hiện có giữa ASEAN và 6 nước đối tác: Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Niu Di-lân. Tất cả chúng ta đều trông đợi Hiệp định RCEP sẽ tạo khuôn khổ ổn định, thống nhất, tạo thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa luồng lưu chuyển thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Với các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, Hiệp định RCEP sẽ giúp họ tiến hành các hoạt động thương mại thuận lợi hơn, tiếp cận được các nguồn lực mới từ bên ngoài, phát huy thế mạnh của từng doanh nghiệp, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảhh: P.V) Thực tế, Hiệp định RCEP đã trải qua 06 phiên họp cấp Bộ trưởng, 18 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới có động thái bảo hộ thương mại như hiện nay, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sẽ truyền đi thông điệp rõ ràng, nhất quán về chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của nền kinh tế các nước RCEP. Chính vì vậy, Việt Nam ủng hộ việc kết thúc về cơ bản đàm phán Hiệp định này trong năm 2017. Việc đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của các bên là không hề dễ dàng. Với sự chênh lệch về trình độ phát triển, sự khác biệt về quy mô nền kinh tế cũng như những khó khăn, nhạy cảm mà mỗi nước có thể gặp phải, các bên cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt để có thể tìm ra các giải pháp thỏa đáng cho các bên.
Cũng theo Bộ trưởng, để thúc đẩy tiến độ đàm phán, các đoàn đàm phán cần xúc tiến đàm phán song phương về mở cửa thị trường một cách thiết thực để đạt được các cam kết mở cửa thị trường có ý nghĩa về thương mại. Ngoài ra, tất cả các cam kết cần được xem xét trên cơ sở cân đối tổng thể tất cả các lĩnh vực đàm phán./.
Lê Anh