Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long"

Thứ tư, 27/03/2024 21:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hội thảo là diễn đàn để các bộ ngành, chuyên gia, địa phương và doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm trong thích ứng với hạn, mặn ở ĐBSCL để hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

Ngày 27/3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Hội thảo có sự tham gia của của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, đại diện 7 địa phương chịu hạn, mặn nghiêm trọng là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cùng các doanh nghiệp cung cấp nước sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề nóng và cấp thiết tại khu vực ĐBSCL

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12 tới nay, trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không mưa. Tổng lượng mưa thời gian này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Trong điều kiện mưa gần như không có, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt.

Số liệu của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho thấy, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8- 13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn.

Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ ra, việc phát triển vùng ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.

Phát biểu Đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, biến đổi khí hậu - nước biển dâng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL.

PGS,TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL... Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. 

 Chủ trì hội thảo.

Giải pháp ứng phó tình trạng hạn mặn ngày càng trở nên nghiêm trọng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã cùng chia sẻ và đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo nhằm ứng phó tình trạng hạn mặn ngày càng trở nên nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Do vị trí địa lý của TP Cần Thơ nên điều kiện về nguồn nước tương đối thuận lợi hơn một số tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, trước tác động, ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, tác động của thiên tai, cả nhân tai, thành phố luôn cảnh giác cao độ, không chủ quan, lơ là trong việc chủ động ứng phó và thích ứng với tình hình hạn mặn đã và đang diễn ra khắp ĐBSCL.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố có vị trí cách xa biển Đông khoảng 80km. Hiện nay, hướng xâm nhập mặn chủ yếu chỉ còn theo hướng sông Hậu (do thủy triều đẩy mặn từ biển vào dọc theo sông Hậu). Địa bàn có thể bị ảnh hưởng trực tiếp là quận Cái Răng.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, TP Cần Thơ ghi nhận có 2 đợt xâm nhập mặn theo đường sông Hậu vào đến cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) vào năm 2016 và 2020.

“Điều này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, tác động của thiên tai cả nhân tai (như vận hành thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn…), ngày càng cực đoan, gay gắt, không theo quy luật và số lần xâm nhập mặn ngày càng nhiều hơn so với thời gian trước đây”,  Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ  Nguyễn Ngọc Hè cho hay.

Để chủ động phòng chống và thích ứng với hạn mặn, thiếu nước, xâm nhập mặn, TP Cần Thơ đã làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp và người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý; xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện…

 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại hội thảo 

TS Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp vùng đồng bằng) cho rằng: Sức nóng của hạn mặn từ thực tiễn trong những tháng qua, đặc biệt là tháng 3 nên việc chọn chủ đề sống chung với hạn mặn rất phù hợp. Nếu nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, ĐBSCL ngay từ đầu người dân đã chọn sống chung nhưng tùy thời điểm nhận thức và có giải pháp thích ứng.

ĐBSCL có 2 mùa mưa – khô. Như vậy, từ kinh nghiệm thực tiễn hình thành nên tri thức bản địa của người dân trong việc sinh hoạt, sản xuất theo điều kiện sinh thái tự nhiên để thích ứng theo mùa. “Chúng ta đã một thời sống chung với lũ và bây giờ sống chung với hạn mặn, nhưng sống chung thế nào phải có hai vấn đề tiên quyết là từ yêu cầu thực tiễn và có giải pháp thích ứng thuận thiên. Nếu soi chiếu, phù hợp với tầm nhìn, định hướng được xác định trong nghị quyết phát triển vùng ĐBSCL”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp nêu giải pháp cần tập trung “3 cần – 4 có”. Đó là, cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt; xem hạn hạn xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương.

Bốn có, như công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần giải pháp công trình, nhưng phải đặt ra yêu cầu nguyên tắc ‘không hối tiếc’; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mekong,…

Phú Đức- Nhật Huy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực