|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội trao cúp và bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các nông dân tiêu biểu. |
Nhiều khó khăn, vướng mắc được giãi bày
Ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đề nghị thành phố nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn 5 năm đối với đất công ích vì hiện nay chỉ được thuê 5 năm, thời gian quá ngắn không đủ để đầu tư lớn và lâu dài.
Bên cạnh đó, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoà Mỹ kiến nghị thành phố cần có cơ chế hỗ trợ bình ổn giá lợn trực tiếp tới người sản xuất; tăng cường các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường cho người nông dân. Thành phố cần có chính sách quan tâm để cung cấp, hỗ trợ con giống dòng thuần, giống gốc có phẩm chất cấp cao cho các trang trại để làm nái nền, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Huy (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) đề nghị chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tích tụ ruộng đất yên tâm triển khai dự án đầu tư.
Cũng với vướng mắc về cơ chế đất đai, bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đề nghị thành phố tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế đất đai (kéo dài thời gian cho thuê quỹ đất công ích 5%, xử lý dự án quy hoạch treo), hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh tập trung, và các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
|
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc hợp tác xã Rau an toàn Cuối Quý, huyện Đan Phượng nêu kiến nghị tại buổi đối thoại. |
Một số nông dân kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho xây dựng nhà màng, nhà kính và đường giao thông nội đồng đảm bảo giao thông thuận tiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân khi chuyển đổi…
Một số ý kiến đề nghị các sở ban ngành có cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, tạo hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp và hội viên nông dân sớm thực hiện dự án; kiến nghị thành phố có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân bước đầu bớt khó khăn khi thực hiện dự án… Một số cũng băn khoăn câu chuyện được mùa mất giá trong tiêu thụ nông sản…
Hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả
Trả lời câu hỏi ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, vừa qua, một số nơi trên cả nước, chính quyền địa phương đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại làm dự án. Sau khi thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định làm như vậy là sai, phải thực hiện theo đúng quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 73 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh. Chính quyền có thể tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện chính sách này.
Liên quan đến vướng mắc về thời gian cho thuê đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, đất công ích 5% hình thành do các địa phương trích lại 5% tổng diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích. Trong thời gian chưa sử dụng công ích thì UBND cấp xã được tổ chức đấu giá cho thuê 5 năm với mục đích nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng để trồng cây, nuôi trồng thủy sản. Với đề nghị của bà con được kéo dài thời hạn sau 5 năm, thực tế theo quy định của Luật thì chưa cho phép.
Trả lời về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản ngay cả khi là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm), Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, dư địa tiêu thụ sản phẩm của nông dân Hà Nội ở ngay thị trường thành phố còn rất lớn. Nhưng bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, rất cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, trong đó, tập trung đầu tư quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá... Quyền Giám đốc Sở Công Thương cũng lưu ý, cần tuân thủ quy hoạch sản xuất. Ví dụ: Sở Công Thương đã lưu ý nguồn cung quả có múi đã vượt cầu, nhưng nhiều địa phương vẫn không ngừng mở rộng vùng trồng làm cho giá quả bưởi bán từ 40-50 nghìn đồng, nay chỉ còn bán được 20 nghìn đồng…
|
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan trao đổi tại hội nghị. |
Giải đáp các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, sau hội nghị, bám sát kết luận của Bí thư Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô hiện đại, đặc thù, có bản sắc riêng. Trước mắt, UBND thành phố đang tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sắp tới một điều khoản về cơ chế chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, cùng với công tác điều chỉnh quy hoạch sẽ làm cơ sở để định hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.
Làm rõ thêm về các chính sách hỗ trợ “tam nông”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, những năm qua, HĐND TP đã cùng với UBND TP nghiên cứu, xây dựng và ban hành 6 nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên, người nông dân được trực tiếp hưởng thụ chính sách chưa lớn. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng cho các cơ chế chính sách này, nhưng chủ yếu giải ngân cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, HĐND TP sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP rà soát lại các chính sách để hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ cho “tam nông” một cách thực chất, trực tiếp và hiệu quả.
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách “tam nông”
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng Thủ đô rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt hoan nghênh, đánh giá cao những kiến nghị với thành phố những giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng chí khẳng định, cuộc đối thoại đã đạt yêu cầu đề ra và có tính xây dựng cao. Trong đó có một số ý kiến đã được thống nhất tháo gỡ ngay tại hội nghị.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
|
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND TP xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và thành phố trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn...
Các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, tâp huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
“Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Đinh Tiến Dũng kêu gọi nông dân Thủ đô, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới các tiêu chí đô thị. Qua các đại biểu dự hội nghị hôm nay, lan tỏa tinh thần này tới toàn thể nhân dân. Đồng thời, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố…
Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị... Văn phòng Thành ủy có nhiệm vụ ban hành Thông báo kết luận hội nghị, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan trả lời và thực hiện các kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc việc trả lời, giải quyết của các sở, ngành, các cơ quan liên quan đối với kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu hội viên nông dân và trả lời, giải đáp của các đơn vị, Bí thư Thành ủy đề nghị, UBND, HĐND và các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, quan tâm, tạo điều kiện tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
|
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tôn vinh, khen thưởng nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2022 . |
“Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, chúng ta phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ thành phố xuống cơ sở”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trao Bằng khen, Cúp vinh danh 18 nông dân tiêu biểu Thủ đô năm 2022.