Các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: BT)
Diễn đàn là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, người tiêu dùng cùng trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, an toàn. Thông qua đó, từng bước đưa nông sản an toàn đến rộng hơn với người tiêu dùng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Trong đó, cuối năm 2015 với đợt phát động cao điểm về an toàn thực phẩm, Bộ đã tập trung vào việc kiểm tra, xử lý các vi phạm, từng bước đẩy lùi việc sử dụng chất cấm Sabultamol, chất vàng O sử dụng trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất vào các cơ sở gian lận, đồng thời công bố các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, an toàn thực phẩm là vấn đề thường trực, luôn được xã hội quan tâm, vì vậy, công tác đảm bảo về an toàn thực phẩm cần được theo dõi thường xuyên. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm theo một số mục tiêu trọng tâm. Trong đó, tập trung thanh tra, xử lý vi phạm trong việc sử dụng chất lượng vật tư đầu vào; đặc biệt trong trồng trọt, tập trung kiểm soát về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các chuỗi nông sản an toàn; kết nối sản phẩm an toàn có xác nhận đến người tiêu dùng. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người tiêu dùng để công khai, minh bạch về các sản phẩm nông sản.
Tại Diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt vấn đề, nông sản Việt Nam gặp khá nhiều thách thức sau khi các Hiệp định Thương mại tự do được ký kết. Ông cho rằng, thách thức lớn nhất là chúng ta khó bảo đảm được các tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe con người từ những nguy cơ qua đường thực phẩm, các bệnh lây qua động vật,…để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu của rất nhiều sản phẩm nông thủy sản xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số ít sản phẩm còn lại có lộ trình xóa bỏ thuế quan chỉ từ 3-5 năm, trong trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe con người thì cơ hội không tận dụng được và thách thức sẽ ập đến.
Vì vậy, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Cần xem việc bảo đảm nông sản thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khỏe của người dân Việt Nam. Để làm được điều này, ông cho rằng, cần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, đồng thời chuyển từ ngành nông nghiệp theo quan niệm truyền thống sang xem ngành nông nghiệp là ngành công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung ruộng đất hình thành cùng sản xuất lớn. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng từ gieo trồng, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến tiêu dùng. Qua đó, ổn định nguồn cung và kiểm soát chất lượng sản phẩm trên mỗi công đoạn của chuỗi giá trị; bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, chống sản xuất, buôn bán nông sản, thực phẩm bẩn, áp dụng các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn.
Chia sẻ về giải pháp góp phần đảm bảo về an toàn thực phẩm trong nông sản, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, cần kiểm soát các giai đoạn của sản xuất về thời gian thực, minh bạch hóa các khâu kiểm tra trong chuỗi thực hiện. Cùng với đó, sản phẩm được bày bán cần đảm bảo được việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, đồng thời các nguồn sản xuất cần chứng minh được là cơ sở sản xuất sạch, tạo niềm tin cho người dân.
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán về thực phẩm sạch, cần đảm bảo đất trồng được bổ sung các nguồn khoáng vi lượng, tạo điều kiện chăm sóc nguồn đất tốt, từ đó, sẽ đảm bảo cho các nguồn sản phẩm nông nghiệp sản xuất được đảm bảo chất lượng và an toàn./.