Kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số ở Long An

Thứ ba, 19/10/2021 09:41
(ĐCSVN) - Để thực hiện quá trình chuyển đổi số, tỉnh Long An đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để đạt và vượt các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021-2025.
 Người dân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An.

Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống – xã hội. Tuy nhiên đây cũng là tiền đề, động lực để Long An thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tỉnh Long An thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đến những ngày cuối tháng 8, UBND tỉnh đã tăng cường hơn các biện pháp giãn cách xã hội với phương châm ai ở đâu ở đó để đạt mục tiêu phòng, chống dịch. Đối với hầu hết người dân trong thời gian này đều gặp những khó khăn nhất định trong công việc và sinh hoạt. Tuy nhiên, đối với chị Lê Thị Lý, phường 3, TP. Tân An cũng như nhiều người trẻ khác vẫn đặt được những mặt hàng thiết yếu và thanh toán không tiếp xúc thông qua những ứng dụng thanh toán trực tuyến và giải quyết công việc qua không gian mạng. Chị Lý cho biết: “Nếu ngày thường tôi có thể đi chợ, đi siêu thị mua hàng và thanh toán tiền mặt nhưng dịch bùng phát buộc lòng chúng tôi phải ở nhà nên các hình thức mua hàng thanh toán trực tuyến qua ví điện tử hay Internet Banking thực sự hữu dụng và sẽ trở thành xu hướng trong tương lai”.

Bên cạnh đó, từ khi dịch bùng phát đến nay, tiểu ban thông tin, truyền thông và công nghệ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh còn cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trang Zalo Chính quyền điện tử tỉnh Long An để cung cấp thông tin kịp thời, chính thống đến từng người dân.

Đặc biệt trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân vẫn được Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện bảo đảm thông suốt tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An Lưu Hiếu Trung, tính riêng từ ngày 8/7 đến nay, tuy Trung tâm không tổ chức nhận hồ sơ trực tiếp nhưng tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích 3.031 hồ sơ, hiện đã trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 795 hồ sơ.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai đầu tư, đưa vào vận hành chính thức Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGPS). Đến nay, tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ ngành kết nối thành công và đưa vào vận hành chính thức nhiều dịch vụ, đưa vào vận hành chính thức nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (Paygov) tích hợp vào Cổng Dịch vụ công tỉnh cũng như kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện tỉnh Long An đang vận hành thử nghiệm kết nối hồ sơ một cửa, liên thông vào phần mềm VBDlis để xử lý hồ sơ đất đai, sau đó thông qua thuế và trả kết quả về hệ thống một cửa cơ sở dữ liệu đất đai. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang triển khai cho các đơn vị đăng ký khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu; các nền tảng số dùng chung bước đầu được vận hành, các phần mềm dùng chung phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp, kết nối liên thông với các hệ thống của Bộ, ngành Trung ương. Đến nay, đa số các chỉ tiêu do Chính phủ, tỉnh đề ra đều đạt, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, tài chính từng bước xây dựng được các nền tảng và ứng dụng công nghệ số.

Chính quyền điện tử tỉnh Long An cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ cũng như hỗ trợ tối đa cho người dân trên nền tảng số.

Song song với đó, tỉnh Long An đã và đang tập trung nguồn lực triển khai các dự án quan trọng như “Xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh giai đoạn 1”, dự án “Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1”, dự án “Đầu tư hệ thống hội nghị 2 chiều từ tỉnh đến cấp xã” cũng như tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4. Đây đều là các dự án quan trọng tạo nền tảng cốt lõi trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

Riêng trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước khoảng hơn 193 tỷ đồng; đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 220 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số như cung ứng phần cứng điện tử, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, thương mại điện tử, viễn thông với tổng doanh thu gần 11.500 tỷ đồng, ước nộp ngân sách Nhà nước gần 200 tỷ đồng. Từ những hình thức kinh doanh, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ số và internet đã góp phần tạo công ăn, việc làm tăng thu nhập và nâng chất lượng cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: Định Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực