Khẩn trương triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Thứ năm, 27/10/2016 22:16
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 8936/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, năm 2016, tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài trong vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho sản xuất trồng trọt vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nhiều diện tích cây cà phê, hồ tiêu bị thiệt hại nặng nề, một số diện tích đất lúa phải dừng sản xuất. Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã tập trung chỉ đạo khẩn trương công tác phòng chống hạn, khôi phục sau hạn hán, kịp thời chỉ đạo sản xuất có nhiều kết quả.

Toàn vùng đã chuyển đổi mạnh mẽ và có hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước trên 23,3 nghìn ha; diện tích sản xuất lúa năm 2016 ước đạt 741,3 nghìn ha, giảm 15,6 nghìn ha do không có nước; năng suất đạt 56,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4.164,4 nghìn tấn; giảm khoảng 96,5 nghìn tấn so với năm 2015. Cây công nghiệp dài ngày cà phê, hồ tiêu đến nay phục hồi khá, cây màu phát triển tương đối ổn định.

Năm 2017, dự báo tình hình mưa và nguồn nước có thể được cải thiện, tuy nhiên, trạng thái thời tiết còn nhiều cực đoan không thể chủ quan, nhất là hiện nay mưa bão đang diễn biến bất thường. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi chỉ đạo chăm sóc lúa, màu vụ Mùa 2016; thu hoạch nhanh gọn nhằm phòng tránh lũ bão cuối vụ. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tích cực và khẩn trương triển khai tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017; chỉ đạo sát sao lịch thời vụ và cơ cấu giống sản xuất cho từng tiểu vùng, lưu ý những nơi xuống giống sớm phải có phương án tiêu thoát lũ. Sử dụng những giống lúa xác nhận ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, chống chịu khô hạn và sâu bệnh tốt. Mỗi tỉnh cần lựa chọn 2-3 giống chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; đa dạng cây trồng phù hợp điều kiện từng vùng và nhu cầu thị trường. Các Viện nghiên cứu trong vùng cần phối hợp công tác này với các địa phương.

Cục Trồng trọt tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ Thực vật theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất hiện nay, đồng thời triển khai tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017, chú ý chỉ đạo tốt lịch thời vụ và cơ cấu giống thích hợp từng vùng. Tổ chức sơ kết chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và đề xuất các chính sách phù hợp để thúc đẩy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; hoàn thiện quy trình canh tác cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô, lạc,…) trong điều kiện khô hạn.

Tổng cục Thủy lợi theo dõi sát sao diễn biến nguồn nước, thông tin đều đặn và kịp thời cho địa phương và người dân. Tổng kết các kinh nghiệm, giải pháp ứng phó hạn hán; soạn thảo và phát hành tài liệu hướng dẫn phổ biến đến người dân. Tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước cho sản xuất với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao. Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường dự tính, dự báo diễn biến của các loại dịch hại, kịp thời chỉ đạo các giải pháp phòng trừ không để bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là các cây trồng có giá trị./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực