“Khơi thông” cung tiền và tín dụng

Thứ bảy, 16/09/2023 14:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Xu hướng lãi suất huy động giảm trong giai đoạn từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục, nhưng dư địa giảm không còn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay có độ trễ nên sẽ giảm tiếp, khi các ngân hàng “tiêu thụ” hết các khoản vốn huy động lãi suất cao. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động, vì còn phải bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Tính từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành (Ảnh: M.P) 

Trong tuần cuối của tháng 8/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Trong đó, bốn ngân hàng TMCP nhà nước bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank cùng giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm 30 - 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các ngân hàng thương mại khác có mức giảm phổ biến khoảng 10 - 30 điểm cơ bản. Hiện tại, lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức kỳ hạn 12 tháng tại bốn ngân hàng lớn là 5,2% và 5,9% với các ngân hàng cổ phần lớn.

Hiện lãi suất tiết kiệm đã về ngang bằng trước đại dịch COVID-19, nên theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, dư địa giảm thời gian tới không còn nhiều. Tính từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành. Tổng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm đến 150-200 điểm cơ bản, lần lượt xuống còn 3% và 4,5%.

Hệ quả là thay vì duy trì ở mức 9 - 10%/năm như cuối năm 2022, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng chỉ còn 6 - 7%/năm. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 9/2023, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất tại VPBank giảm tới 1%/năm ở nhiều kỳ hạn, xuống sâu dưới mốc 6%/năm. Eximbank cũng giảm 0,1 - 0,25% điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Trong khi đó, với mức lãi suất 4,75%/năm, nhóm ngân hàng đang có lãi suất cao nhất thị trường cho kỳ hạn ngắn gồm GPBank, OceanBank, PGBank, NCB, SCB, BacABank. Ở kỳ hạn 6 tháng, GPBank có mức lãi suất 5,7%/năm, OceanBank cao hơn một chút với 6%/năm; NCB, SCB và PG Bank đều đưa ra mức lãi suất 6,3%...

Theo dự báo của giới phân tích tài chính ngân hàng, xu hướng lãi suất huy động giảm sẽ còn tiếp tục, nhưng dư địa giảm không còn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay có độ trễ nên sẽ giảm tiếp trong thời gian từ nay đến cuối năm, khi ngân hàng tiêu thụ hết các khoản vốn huy động lãi suất cao. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động, vì còn phải bảo đảm sự an toàn của hệ thống. Dự báo, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, chứ không thể giảm sâu thêm nữa. Đồng thời, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng này, thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất, bởi khi đó, nếu giảm lãi suất, tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.

Trong các phân tích của mình, nhóm các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Nguyên do là tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, tín dụng tăng chậm nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, Chính phủ đẩy mạnh hơn đầu tư công từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đại diện NHNN cho biết, nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng đã được cơ quan này ban hành và triển khai đồng bộ với các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chỉ ở mức 4%/năm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND đã giảm khoảng 1% so cuối năm 2022. Các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5 - 3% tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.

Sau động thái chỉ đạo bằng văn bản mới đây của NHNN, các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2 - 2,5 điểm phần trăm trong sáu tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Tuy nhiên, hiệu ứng của chính sách thường có độ trễ nhất định và đối tượng hưởng lợi thực sự của chính sách sẽ cần thời gian nhất định, việc cam kết điều chỉnh giảm lãi suất cũng không ngoại lệ. Dự kiến lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ thẩm thấu của chính sách tiền tệ vào nền kinh tế vẫn khá chậm. Dù lãi suất đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, thì việc giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn tín dụng cho nền kinh tế mới đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so đầu năm. Như vậy, sau khi có sự hồi phục trong tháng 6, tín dụng ghi nhận tăng trưởng âm (-) so tháng trước và thấp hơn đáng kể so cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhà điều hành sẽ tập trung các giải pháp nhằm “khơi thông” cung tiền và tín dụng. Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay, khi các ngân hàng đang tồn kho tiền, còn doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, không có đầu ra cho sản phẩm.

Vì thế, dù ngành ngân hàng đã liên tục rà soát, tháo gỡ khó, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, đơn hàng sụt giảm nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng được cho là “rào cản” của tín dụng, đó chính là áp lực lãi suất cho vay. Ở giai đoạn cuối năm ngoái không ít ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng lên tới hơn 11%/năm, làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%/năm, trung và dài hạn 17-18%năm.

Trong khi đó, với mức lạm phát của Việt Nam chỉ kiểm soát mức khoảng 3-4% hiện nay, theo các chuyên gia tài chính, lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12%/năm là hợp lý. Thế nhưng, vấn đề các ngân hàng đang gặp phải, là chi phí nguồn vốn cho đến 6 tháng đầu 2023 còn cao nên khó có thể giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, cần giảm chi phí bình quân huy động vốn các ngân hàng thấp xuống, giá hàng tồn kho phải giảm.

Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 0,3-0,5%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 0,5-1% trong tháng 8 vừa qua và đang trên đà giảm thêm. Còn tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-2,5% tuỳ kỳ hạn - mức giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN. Hiện lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022, duy chỉ còn lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là đang cao hơn 0,3% so thời điểm tháng 9/2022. Tuy nhiên, nếu so với mức lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn COVID-19, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 0,3-1%. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8.

Bên cạnh đó, tín dụng vẫn được kỳ vọng cải thiện hơn ở những tháng cuối năm khi mặt bằng lãi suất giảm dần. Sau khi giảm trong tháng 7, tín dụng đã phục hồi trong tháng 8/2023 và đến cuối tháng 8 đạt mức tăng 5,33%. Điều này cho thấy tín dụng đã lấy lại được đà tăng trưởng, phù hợp xu thế chung của các năm trước khi tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm luôn cao gấp đôi nửa đầu năm.

Một chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, với các yếu tố như nền kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, lãi suất tiếp tục giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng nhanh, thậm chí gấp đôi so nửa đầu năm. Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây thường có xu hướng phục hồi mạnh vào quý III/2023 và tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm luôn cao gấp đôi 6 tháng đầu năm. Dù tăng trưởng tín dụng chỉ sụt giảm trong tháng 7, nhưng sang tháng 8, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khá tốt và dự báo có thể giữ đà này đến các tháng cuối năm khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lượng đơn hàng có phần cải thiện.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng khuyến cáo, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn. Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động, sẽ gây ra nhiều hậu quả, nên tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức an toàn cho phép (khoảng 10%).

Chính vì vậy, trong bối cảnh những tín hiệu phục hồi tốt đã đến từ thị trường và các chính sách khuyến khích đầu tư, tiêu dùng cùng công tác giải cứu bất động sản của Chính phủ… động lực thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng và cải thiện sẽ xuất hiện vào cuối năm và đầu năm tới, bên cạnh định hướng hạ lãi suất, room tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng, NHNN cần vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ kéo “hàng tồn kho huy động vốn” thấp xuống bằng một số công cụ như điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt. Có như vậy, mới vừa bảo đảm sự an toàn của hệ thống vừa đạt được hiệu quả tối ưu từ các giải pháp nhằm “khơi thông” cung tiền và tín dụng.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực