Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong dịch bệnh COVID-19

Thứ sáu, 03/09/2021 16:09
(ĐCSVN) - Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa mới gửi một số khuyến nghị chính sách nhằm tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách kéo dài vì dịch bệnh COVID-19.

Lo ngại trước những biến động xấu của kinh tế trong những tháng qua, đặc biệt là do diễn biến phức tạp của chủng mới Delta mà dịch bệnh COVID-19 mang lại, nhóm các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã cùng khảo sát, nghiên cứu và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ thể tới Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

 Cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ và gỡ khó kịp thời (Ảnh: HNV)

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất do dịch bệnh COVID-19

Nhóm nghiên cứu nhận định, kể từ khi bùng phát COVID-19 lần thứ tư buộc phải giãn cách ở 2 thành phố lớn nhất, đầu tàu kinh tế cả nước, nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế. Đặc biệt là những vấn đề đứt gãy nguồn lao động do giãn cách, nguồn nguyên vật liệu khi phí tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương.

Các chỉ tiêu chủ yếu phản ánh gồm: Nông nghiệp suy giảm 2%, trong đó phía Nam giảm hơn 5,6%, chăn nuôi giảm 3,8%. Thủy sản riêng tháng 8 giảm 7,4% kéo tình hình chung còn tăng 5,6%. Đáng chú ý, công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ, kéo lùi thành tựu từ 8,36% xuống còn 5,6%. Dịch vụ: Tổng mức bán lẻ và tiêu dùng giảm 4,7%. Xuất nhập khẩu giảm 5,8% cho tháng 8 nhưng tính chung 8 tháng vẫn tăng trên 20%. Tuy nhiên, khối trong nước nhập siêu trên 20 tỷ USD và khối FDI xuất siêu hơn 16,7 tỷ USD nên tính chung vẫn nhập siêu trên 3,71 tỷ USD. Riêng vận tải hành khách tháng 8 giảm 35,9% đến 43%. Tính chung 8 tháng giảm 75,9%, hàng hóa giảm 6,7%.

Đáng lo lắng hơn cả, đã có 85,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với 2020, riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm 28,1%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 43,2 nghìn doanh nghiệp trên 50% số rút lui và có chiều hướng tăng nhanh. Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7. Điều này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Đến nay, các điều kiện kinh doanh đã giảm 3 tháng liên tiếp.

Nguồn: IHS Markit và Tổng cục thống kê, 8/2021) 

Đánh giá trên cơ sở các số liệu trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc kéo dài giãn cách theo chỉ thị 16 đã làm đảo chiều một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng và có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng và gây tổn hại uy tín về khu vực sản xuất an toàn của Việt Nam. Minh chứng là, việc phong tỏa thành phố và giãn cách nhiều ngày khiến nhiều công ty và doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, Hà Nội… phải tạm dừng hoạt động. Không những thế, việc hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương thực hiện một kiểu dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu cộng với quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

Doanh thu các doanh nghiệp bị giảm sút, các đơn hàng suy giảm và luân chuyển vốn khó khăn, năng lực giảm mạnh khi các khoản chi bất thường do đại dịch tăng lên như chi phí hỗ trợ lương nghỉ dịch, chi phí xét nghiệm, chi phí nhiên liệu do thay đổi cung đường…khi thực hiện yêu cầu về 3 tại chỗ “ăn, nghỉ, làm” tại chỗ gây khó khăn cho doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở. Giải pháp “1 cung đường 2 điểm đến” cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không phải tất cả lực lượng lao động trên một cung đường hay điểm đón. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng … nơi bị phong tỏa bị chốt chặt nên không thể đến nơi làm việc.

Thêm vào đó, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt các chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ô tô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động. Chuỗi cung ứng ngành ô tô có bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản do lao động bị cách ly, giãn cách cùng với chuỗi mặt hàng nông sản do đình trệ lưu thông, thông tin thị trường và lao động lái xe. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển đã gây ra đứt gãy.

Với chuỗi cung ứng hàng dệt may, chuỗi này bị đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, hay “1 cung đường 2 hoặc 3 điểm đón” chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm của mỗi địa phương đều khác nhau…

Trước thực trạng đó, tính đến 30/8/2021, có hơn 5.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 3 nhóm giải pháp giải cứu doanh nghiệp gồm: Miễn 100% phí BHXH các doanh nghiệp và người lao động, không tính phạt ít nhất 6 tháng kể từ khi tuyên bố hết dịch; Miễn thuế VAT năm 2021, giảm 50% 2 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm tiếp 30% cho 3 năm tiếp theo; Cho phép tính các chi phí chống dịch vào chi phí hợp lý hợp lệ; Hỗ trợ gói ưu đãi 4% trong đại dịch và kéo dài 12 tháng kể từ khi sau khi tuyên bố hết dịch, giãn nợ (gốc và lãi), giảm nợ cũ 2-3%, trong 6 tháng.

Đề xuất, kiến nghị một số giải pháp gỡ khó, hạn chế đứt gãy chuỗi

 Chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động kịp thời (Ảnh: HNV)

Qua nghiên cứu, khảo sát và tổng hợp đánh giá từ thực tiễn, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học kinh tế Quốc dân đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, trong đó, trước mắt cần triển khai ngay và luôn các nhóm giải pháp cụ thể gồm:

Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Thứ hai, cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với (1) nhân lực logistics, (2) nhân lực sản xuất, (3) dân cư toàn xã hội.

Thứ ba, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Thứ tư, thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.

Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về. 

Thứ năm, xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.

Thứ sáu, Chính phủ tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch COVID-19.

Về lâu dài, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần tập trung: phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người cho phòng chống dịch COVID-19. Chiến lược phòng chống dịch COVID-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần-logistics một cách thống nhất.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống; bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp logistics thông qua xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này với tất cả các loại hình vận tải.

Đặc biệt, đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia để nâng cao hơn nữa vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics trước những biến động khó lường. Hơn nữa, phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (bao gồm các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam.

Với khối chính quyền địa phương, nhóm nghiên cứu đề xuất, phải nhất quán với sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Bãi bỏ các quy định chống dịch thực hiện thiếu thống nhất tại các địa phương đang gây ra rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong quá trình cung ứng hàng hóa. Có chính sách kịp thời và mau lẹ để huy động mọi nguồn lực tại chỗ, từ nguồn nhân lực, vật lực, tài chính kịp thời thay thế các chuỗi cung ứng dài bằng chuỗi cung ứng ngắn tại các địa phương có dịch.

Tại các Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, cần tổ chức nhóm công tác hậu cần mạnh với đầy đủ nhân lực và phương tiện để điều phối và phối hợp với tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ, lực lượng tuyến đầu và đội ngũ hỗ trợ để cấp phát và giao hàng hàng thiết yếu tới tận địa bàn và người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu, đặc biệt là ở những  đô thị lớn, khu dân cư có địa hình không thuận lợi trong giao hàng.

Với các Hiệp hội, nhóm nghiên cứu đề nghị, cần hỗ trợ thông tin từ các đầu mối tiêu thụ: mua buôn, mua lẻ, gom hàng, giá cả thị trường, tiềm năng tiêu thụ… Hỗ trợ thông tin từ các nguồn cung cấp an toàn: bán buôn, bán lẻ, bán online, giá cả, cách thức phòng chống lây nhiễm; Kết nối với các bên cung cấp dịch vụ hoặc hiệp hội nước khác để hỗ trợ trong việc thực hiện các hợp đồng cung ứng với chi phí hợp lý, nhất là vận chuyển công-ten-nơ, thủ tục giao nhận, đặc biệt đối với hàng hóa lưu thông, xuất nhập khẩu và hàng hóa chuyên dùng cho phòng chống dịch COVID-19 nhanh nhất, kịp thời nhất. Tổ chức ONLINE/OFFLINE tọa đàm, đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ dãn cách do dịch COVID-19 nhằm tránh đưa ra các quyết định mâu thuẫn hay cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp - chủ thể và tác nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp, trước tiên của dịch bệnh, nhóm nghiên cứu cho rằng, mỗi doanh nghiệp phải chủ động và nhanh chóng chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng điện tử. Tham gia vào các trang bán hàng trên facebook, fanpage… và các nền tảng dịch vụ bán hàng Tiki, Sendo… nhằm tránh đứt gãy thông tin và giao tiếp với khác hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tham gia vào các trang chuyên giao thương xuất khẩu như Amazon, Alibaba, Indiamark… Các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường các giải pháp quản trị doanh nghiệp thông qua các biện pháp quản trị thông minh và chuyển đổi số, như tăng cường camera giám sát, phân vùng đệm chuyển giao nguyên liệu bán thành phẩm, thiết lập cơ chế tự giám sát…

Giãn cách không gian bằng cách tăng 2 ca, 3 kíp giảm ít nhất 50% lực lượng lao động đảm bảo 5K. Thậm chí, tổ chức phân tán hoạt động sản xuất phụ trợ, tăng cường mua ngoài, thuê ngoài… Thêm vào đó, tận dụng thời gian giãn cách nghiên cứu và phát triển các loại nguyên vật liệu mới, loại thay thế, nguồn dễ tìm kiếm và kinh doanh tạo lập chuỗi cung ứng mới đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh và có phương án lâu dài cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới.

Cuối cùng là huy động mọi nguồn lực của các doanh nghiệp để cùng Chính phủ và địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để sớm miễn dịch cộng đồng cho đội ngũ lao động làm việc tại doanh nghiệp là giải pháp hàng đầu để đưa doanh nghiệp trở lại làm việc bình thường mới, đồng thời đáp ứng đầy đủ các nhân lực khác của các doanh nghiệp logistics đang thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho vùng dịch; Cần có các phương án phối hợp hiệu quả lực lượng quân đội, công an tham gia phòng, chống dịch, vận hành và thực thi các hoạt động cung ứng hàng hóa, thiết bị  để thực hiện các nhiệm vụ chống dịch.../.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực