|
Một cảng cá ở Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: K.V) |
Là một trong những ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển mạnh về khai thác, đánh bắt thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con ngư dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, hiện nay, nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh đang giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích cỡ cá đánh bắt được. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đang giảm dần hàng năm, kèm theo đó là chất lượng không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng cao. Nếu như trước đây, một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm như: cá trích, tôm, ghẹ, sò, điệp, mực... Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi là do khai thác quá mức và suy thoái nghiêm trọng các hệ sinh thái gần bờ, cũng như sử dụng các phương pháp cấm khai thác (chất nổ, xung điện, cào bờ, xiệp mé…).
Hiện sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm trong khi cường lực khai thác liên tục tăng lên. Năm 2022 - 2023, sản lượng khai thác 207.632 tấn, giảm 9% so với sản lượng khai thác trong năm 2014 - 2015 (228.089 tấn) nhưng cường lực khai thác đã tăng 134,6%.
Nhằm lập lại trật tự nghề khai thác thủy sản, từng bước đưa vào nền nếp và giúp ngư dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác và bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang quyết tâm xử lý nghiêm đối với các tàu cá có hành vi khai thác sai vùng.
Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu khai thác sang lĩnh vực ngoài khai thác.
Theo ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh có trên 3.600 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, gồm các nghề khai thác như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu mực và các nghề khai thác thủy sản khác. Với quyết tâm của các lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển, lập các chốt chặn tại các vị trí gần đường phân định giữa Việt Nam với các nước có đường biển giáp ranh để kiểm soát tàu cá trong nước, ngăn chặn không cho đi khai thác ở vùng biển nước ngoài nên số vụ vi phạm đã giảm dần. Riêng đối với phương tiện tàu cá có chiều dài trên 15m không thực hiện theo quy định về vùng khai thác sẽ xử lý nghiêm.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương sẽ tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia đánh bắt khi cơ quan chức năng chưa cấp phép hoạt động trên vùng biển. Mặt khác, tuyên truyền ngư dân về lợi ích và bất cập trong việc khai thác thủy sản vùng ven bờ để ngư dân biết dần hạn chế vi phạm hoặc họ chuyển đổi ngành nghề khác.
Được biết, tỉnh Kiên Giang có chiều dài bờ biển phần đất liền trên 200km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Vùng biển Kiên Giang nằm trọn trong vịnh Thái Lan, có diện tích khoảng 63.290km2./..