Kiến nghị xây dựng đường nối cảng Cát Lái bằng vốn ngân sách

Thứ năm, 09/03/2023 15:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (GTVT TP. HCM) kiến nghị đầu tư dự án xây dựng đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu đến nút giao Vành đai 3 TP. HCM và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố thay hình thức đầu tư PPP.
Cảng Cát Lái có sản lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm tổng 50% sản lượng hàng hóa cả nước được thông qua cảng.

Ngày 9/3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM có văn bản báo cáo UBND TP. HCM về phương án kết nối đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu đến nút giao Vành đai 3 TP. HCM và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo đó, sau quá trình nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, cơ bản, các sở, ngành và địa phương đã thống nhất dự án đường liên cảng có điểm đầu tư từ đường Nguyễn Thị Định và điểm cuối ở nút giao đường Vành đai 3 TP. HCM và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Tuyến kết nối đường liên cảng sẽ được xây mới với chiều dài 6km, rộng 60m và 12 làn xe. Khu vực trên sẽ được xây dựng nút giao hoàn chỉnh, bao gồm các nhánh nối vào Vành đai 3 và tuyến cao tốc.

Tuyến đường được nghiên cứu gồm 12 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng; dự kiến từ nguồn vốn thu phí hạ tầng cảng biển, với mục tiêu thông qua báo cáo tiền khả thi trong năm 2023 và khởi công năm 2024.

Qua rà soát về tình hình thực tế khu vực lân cận dự án đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu, hiện có 3 tuyến đường đang và sẽ tổ chức thu phí theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Theo nhận định của Sở GTVT TP. HCM, nếu dự án được tiếp tục triển khai đầu tư và thu phí theo hình thức hợp đồng BOT, sẽ gặp nhiều khó khăn về tính khả thi thu phí hoàn vốn cho dự án.

Mặt khác, các doanh nghiệp hiện đi qua khu vực này cũng đang nộp phí hạ tầng cảng biển. Trong khi đó, với nguồn ngân sách tăng thêm từ nguồn thu phí cảng biển thì việc đầu tư đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố sẽ thuận lợi hơn. Chưa kể, việc triển khai cũng phù hợp với mục tiêu theo Nghị quyết 10/2020 của Hội đồng Nhân dân TP. HCM đề ra: “Toàn bộ phí hạ tầng cảng biển sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách TP. để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển”.

Vì vậy, để sớm xây dựng đường liên cảng, Sở GTVT TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM chấp thuận thực hiện đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách Thành phố thay cho hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Cát Lái hiện là cảng có sản lượng hàng hoá lớn nhất nước, chiếm 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước. Cách Cát Lái khoảng 3 km là cảng Phú Hữu cũng có lượng hàng hóa rất lớn nên các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh... thường xuyên ùn tắc. Đây là một trong khu vực có tình hình giao thông phức tạp nhất TP. HCM./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực