Kinh tế 9 tháng: Xu hướng tích cực tiếp tục được duy trì

Thứ sáu, 06/10/2023 17:06
(ĐCSVN) - 9 tháng qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế.

Xu hướng tích cực của một số lĩnh vực kinh tế trong 8 tháng

Cụ thể, các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Gõ khó trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu hiện nay (Ảnh: PV) 

Một số điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng 2023:

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%), bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ 2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%...

Sản xuất lúa vụ đông xuân, sản lượng một số cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ 2022, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan nhờ tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, vụ lúa đông xuân 2023 được mùa, giá lúa tăng cao so với cùng kỳ 2022. Năng suất lúa Đông Xuân ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2022. Sản lượng thu hoạch 9 tháng năm 2023 của một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tăng khá so với cùng kỳ 2022 do đến kỳ thu hoạch sản phẩm…

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng trong 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cùng sản lượng trứng gia cầm và sản lượng sữa tươi đều tăng.

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 9 tháng năm 2023 tương đương cùng kỳ 2022; số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác tăng 3,2%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2023 ước tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022.

Số liệu thống kê còn nêu rõ, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ 2022. Vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%.

Chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch đã phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 của nước ta. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.

  Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội có xu hướng tăng cao, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Trong quý III/2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,6% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 9 tháng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,9%, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 57,4% kế hoạch, tăng 23,5%.

Tính đến ngày 20/9/2023, cả nước có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% về số dự án và tăng 43,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022, là mức thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Lao động có việc làm quý III/2023 ước tính là 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người so với quý II/2023 và tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ 2022; tính chung 9 tháng năm 2023 ước đạt 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Thu nhập bình quân của lao động quý III/2023 ước đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 146 nghìn đồng so với quý II/2023 và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ 2022; tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng 451 nghìn đồng.

Tính đến ngày 19/9/2023, số tiền hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 3,2 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 3,1 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 6,4 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương được ban hành cấp thiết, đúng thời điểm, được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

  Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đề cập tới Nghị quyết 105/NQ-CP, liên quan tới hoạt động tiếp sức cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) cho rằng, có thể khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 là cấp thiết và rất đúng thời điểm. Đại diện VINASME cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ liên quan về ưu đãi lựa chọn nhà thầu là DNNVV trong mua sắm công tại Luật Đấu thầu. Đây cũng là giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo nên yếu tố phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ tiếp cận của các DNNVV, ông Tô Hoài Nam cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với một số bộ, ngành nghiên cứu rà soát, sửa đổi ngay các quy định liên quan để đơn giản hóa các thủ tục cho vay, trong đó có định hướng đơn giản hóa một số điều kiện, tiêu chí nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là nội dung được các DNNVV rất quan tâm. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và thành công, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp cần được nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Hiện nay, nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá việc Chính phủ chỉ đạo chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa là rất đúng đắn, cấp thiết giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi. Khi đó, việc giảm lãi suất hay nới chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng mới thực sự phát huy hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn./.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực