Ảnh minh hoạ (Nguồn: vtv.vn)
Sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc
Năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 25 năm (1990-2015) do xuất khẩu giảm, công suất sản xuất của nhà máy dư thừa, đầu tư chậm, thị trường bất động sản yếu và mức nợ tăng cao. Đặc biệt, việc Trung Quốc không tham gia TPP, các ngành nghề như dệt may, thời trang và điện tử của Trung Quốc sẽ mất rất nhiều cơ hội phát triển.
Với một quốc gia gần 1,4 tỷ người như Trung Quốc, một sự sụt giảm nhỏ của GDP cũng dẫn tới hàng chục triệu lao động mất việc làm. Điều đáng lo ngại là các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc khá ảm đạm bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã 4 lần cắt giảm lãi suất (từ tháng 11/2014). Chỉ số giá cả sản xuất giảm 5,4% (7/2015) và đã giảm liên tục trong 40 tháng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI (Purchasing Managers’ Index) rơi xuống mức 47,6 - mức thấp nhất từ tháng 3/2009. Chỉ số giá sản xuất PPI (Production Price Index) đều giảm rất mạnh. Thậm chí, PPI giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc xuất phát từ chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% và nhập khẩu giảm 8,1% tính tới tháng 7/2015. Đây là những con số tồi tệ nhất trong giai đoạn 2014-2015 của Trung Quốc. Hậu quả của hoạt động xuất nhập khẩu giảm dẫn đến nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng giảm mạnh, từ mức 4000 tỷ USD (7/2014) xuống còn 3.450 tỷ USD (12/2015). Trung Quốc đang ở trong môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất trong 2 thập kỷ (1995-2015).
Dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều do môi trường đầu tư Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh. Gía nhân công tăng cao, tăng trung bình mỗi năm 11,6% trong thập kỷ (2005-2015). Triển vọng kinh tế ảm đạm là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Năm 2014, đã có 800 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường Trung Quốc. Thêm vào nữa, dòng lớn tiền của tầng lớp trung lưu cũng được chuyển ra nước ngoài do sự bất ổn của đồng NDT. Chỉ trong quí IV/2015 đã có 367 tỉ USD chạy ra khỏi Trung Quốc do ngành công nghiệp thiếu sức cạnh tranh, sức mua của người dân thấp, tình trạng tẩu tán tài sản , đầu tư bỏ chạy ra nước ngoài là biểu hiện rõ nhất về tình trạng "giảm sút" của Trung Quốc. Hoạt động của các nhà máy và ngành dịch vụ ở Trung Quốc trong tháng 2/2016 đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến hàng triệu công nhân ở các nhà máy bị sa thải. Đây được xem là tín hiệu của sự giảm tốc sâu của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nếu đến năm 2019 mà Trung Quốc không tham gia vào “đại TPP” , GDP của Trung Quốc sẽ bị tổn thất 2,2% và sẽ bị thiệt hại tới 46 tỷ USD trong vòng 10 năm (2015-2025) . Các doanh nghiệp vốn nước ngoài sẽ chuyển hướng sang đầu tư ở các nước thành viên TPP. Thậm chí, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ đưa công xưởng sang đặt tại các nước thành viên TPP. Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhà máy ở các nước thành viên TPP, bao gồm cả Việt Nam.
Tác động giảm tốc của Trung Quốc tới Hàn Quốc
Khác với các nước ASEAN vốn có quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều lần, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á với mức GDP lên tới 1.300 tỷ USD (2015) và được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Hàn Quốc đang ở trong tình trạng xấu nhất trong khoảng 5 năm (2010-2015). Tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã sụt giảm tới 18,8%, trong đó ngành xuất khẩu chủ lực là xe hơi đã có mức suy giảm lên tới 21,5% (1/2016). Đây là mức suy giảm mạnh nhất của xuất khẩu Hàn Quốc từ năm 2010. Dấu hiệu về sự giảm tốc của kinh tế Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Xuất khẩu của Hàn Quốc liên tục giảm trong năm 2015, buộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phải hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ tư châu Á từ mức 3,5% xuống còn 2,7%. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc vẫn không đạt được con số dự báo của ADB, mà chỉ tăng trưởng ở mức 2,6% (2015), thấp hơn mức 3,3% (2014) và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012.
Đáng chú ý ngành xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc, giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36,7 tỷ USD (1/2016), giảm 18,5% so 45,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2015, tháng thứ 13 liên tiếp xuất khẩu sụt giảm và cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ 8/2009. Tốc độ tăng giá tiêu dùng cũng ở mức thấp nhất trong những tháng đầu năm 2016, khi chỉ tăng 0,8%.
Xuất khẩu suy giảm, cùng với việc đồng USD tăng giá đang khiến đồng Won của Hàn Quốc có mức sụt giá mạnh nhất kể từ năm 2010. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea - BOK) tuyên bố sẽ ghìm giữ tỷ giá đồng won, nhưng nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ hạ tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo thống kê của Oxford Economics, Hàn Quốc hiện là nước đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia có mức độ xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất, chỉ đứng sau 2 quốc gia và vùng lãnh thổ khác là Úc và Đài Loan. Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu thì xuất khẩu Hàn Quốc lập tức lao đao, khiến cho kinh tế nước này suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, Hàn Quốc không bị sốc đột ngột như các nền kinh tế ASEAN vì kinh tế nội địa của Hàn Quốc tăng trưởng ổn định và chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp kích cầu nội địa như giảm thuế và tăng chi ngân sách để hấp thụ một phần lượng hàng hóa dư thừa do xuất khẩu bị đình trệ. Nhưng xét về lâu dài, Hàn Quốc cũng như các nước ASEAN do mắc cùng một vấn đề là dư thừa sản xuất và buộc phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Để tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới, Hàn Quốc đang tập trung nỗ lực thăm dò các thị trường chưa được khai thác ở nước ngoài như I-ran và Cu-ba; củng cố quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây nhằm tiếp tục khai phá các thị trường lớn cho xuất khẩu, đồng thời nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác của Hàn Quốc tại Mỹ la-tinh và Trung Á, cũng như tận dụng lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước đem lại mà tham gia vào TPP – một thị trường dồi dào, ổn định lâu dài – là định hướng trong tương lai của Hàn Quốc./.