TS. Trần Văn - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
nguyên Trưởng Tiểu ban Đầu tư công Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Ảnh: M.P)
Phóng viên (PV): Năm 2016 trôi qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế vĩ mô vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Ông có thể chia sẻ năm vừa qua có sự kiện nào ông thấy ấn tượng nhất?
TS. Trần Văn: Năm Bính Thân 2016 đầy ắp các sự kiện quan trọng đã trôi qua, Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đến bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được ban hành, vạch ra con đường phát triển của đất nước trong 5 năm tới. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và cơ cấu lại nền kinh tế. Tất cả đều rất cụ thể, rõ ràng, từ định hướng, mục tiêu đến chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp. Con đường đã rộng mở và chúng ta chỉ còn phải cùng nhau hành động để tiến lên phía trước.
Phát biểu bế mạc kỳ bế mạc Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015 cũng như năm 2016. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. An sinh xã hội được chú trọng. An ninh quốc phòng được giữ vững.
Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có những điều tốt đẹp. Thuận lợi và khó khăn luôn đan xen. Trong năm Bính Thân, đất nước đã chứng kiến những thách thức vô cùng phức tạp như sự cố môi trường biển ở miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở vựa lúa và thủy sản Nam Bộ, ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản và lúa gạo. Lần đầu tiên sau 10 năm nước ta có tăng trưởng âm về nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng do giá dầu, than đá sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nhưng rồi, nhờ những nỗ lực vượt bậc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ đã tạo ra những chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển, có mặt còn diễn biến phức tạp thêm. Tất cả đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực, hành động kiên quyết hơn nữa để khắc phục.
PV: Năm 2017 nền kinh tế được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ông coi những thách thức nào là lớn nhất trong năm 2017 ?
TS. Trần Văn: Trong một thế giới đầy bất ổn khó lường thì có quá nhiều thách thức do cả thiên tai và nhân tai. Thách thức có thể đến từ diễn biến của tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, khu vực đến trong nước. Từ thiên tai, diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu đến xung đột phi truyền thống, chiến tranh thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực hay những khiếm khuyết của chính sách trong phát triển giao thông, đô thị, thủy lợi, thủy điện, công nghiệp ô nhiễm,…
Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là thách thức lớn nhất. Tôi nhớ lại câu thơ trong “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chúng ta đổi mới thành công cũng chính là nhờ vào sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân khi được “cởi trói” về cơ chế, chính sách. Nên nay, muốn có điều kỳ diệu xảy ra cũng chỉ có thể trông chờ vào người dân. Vấn đề là làm sao để người dân “mở hầu bao” đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất, hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh ở mọi quy mô, từ hộ gia đình, kinh doanh cá thể, đến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, tùy theo khả năng tài chính, quản lý, bí quyết công nghệ, bí quyết kinh doanh của mình, thay vì đầu cơ bất động sản ở trong nước và ở nước ngoài, mua vàng và ngoại tệ cất trữ.
Tôi nghĩ rằng nếu làm được như vậy, chúng ta coi như khởi động được công cuộc đổi mới lần hai. Đổi mới lần một giúp chúng ta từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, thoát nghèo. Đổi mới lần hai sẽ làm cho đất nước chúng ta trở nên giàu có, hùng mạnh, sớm đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển. Để được như vậy, tất cả bộ máy công quyền, từ Trung ương đến địa phương, từng cán bộ công chức, viên chức phải biến lời nói thành hành động để trở thành một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước trong lễ tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào chiều ngày 26 tháng 7 năm 2016.
Đây có thể được coi như một slogan của Chính phủ đương nhiệm. Cụm từ này rất sâu sắc, đầy đủ hàm ý, đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Nhưng thực hiện được thì nó mới thật sự có ý nghĩa, mới làm tăng được được lòng tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với Đảng, Chính phủ, đối với bộ máy công quyền, mới làm cho Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” như mong muốn của Chính phủ.
Trong năm mới Đinh Dậu, có lẽ nhiều người cùng chia sẻ suy nghĩ của tôi, thách thức về nhân tố con người vẫn là lớn nhất, quan trọng nhất.
PV: Bên cạnh những thách thức ông kỳ vọng gì nhất vào năm Đinh Dậu 2017?
TS. Trần Văn: Bước vào năm 2017 Đinh Dậu, tôi kỳ vọng “con gà” sẽ mang lại sự sung túc, nhiều vận lành, may mắn cho đất nước và người dân. Tất nhiên ngoài khách quan thì yếu tố chủ quan của con người vẫn là quan trọng nhất. Lành hay dữ, thành công thay thất bại cũng là do ta cả thôi. Tôi hoàn toàn tin tưởng sự thông minh, nhanh nhẹn, nhạy bén, có ý chí mạnh mẽ vượt lên khó khăn, quyết đoán là tố chất của con người Việt Nam sẽ đưa đất nước trở nên ngày một thịnh vượng hơn.
Để tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7%, tạo chuyển biến rõ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp, loại bỏ rào cản bất hợp lý tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp là những điều kiện tiên quyết để đất nước có được 1 triệu doanh nghiệp và 15 nghìn hợp tác xã hoạt động hiệu quả vào năm 2020, thu hẹp khoảng cách với bốn nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4).
Chúng ta đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là hướng chủ đạo. Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tập trung phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp phụ trợ sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới. Việc phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nữa trong năm Đinh Dậu là tiếp tục xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao năng lực, kỷ luật, đạo đức và thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tôi tin tưởng rằng với các nghị quyết quan trọng của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII sẽ được nghiêm chỉnh thực hiện; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ được xử lý nghiêm minh để cương quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cản đường phát triển của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!