Kinh tế - xã hội khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực

Thứ tư, 29/06/2022 18:56
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Kinh tế tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

leftcenterrightdel
Các điểm cầu trực tuyến từ 63 chi cục tỉnh, thành trên cả nước tại cuộc họp báo ngày 29/6 tại Tổng cục Thống kê (Ảnh: HNV) 

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều tăng khá

leftcenterrightdel
 Infographic sản xuất nông nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu 2022 (Nguồn: TCTK)

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Sản lượng lúa đông xuân giảm do chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và thời tiết không thuận lợi.

Đáng chú ý, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 2.992 nghìn ha, bằng 99,5% vụ đông xuân năm 2021. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 66,7 tạ/ha, giảm 1,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.

Tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.829,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước. Đến nay, có 174,4 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 12,1% diện tích xuống giống.

Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2022 bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại trong hai tháng đầu năm. Chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

leftcenterrightdel
 Infographic sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu 2022 (Nguồn: TCTK)

Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng ước đạt 119,4 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2021; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47 triệu cây, tăng 6%; sản lượng củi khai thác đạt 9,5 triệu ste, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.488,2 nghìn m3, tăng 5,9%. Hoạt động khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu do nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tăng cao. Bên cạnh đó giá xăng dầu leo cao, chi phí vận chuyển lớn nên các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước từ đó thúc đẩy hoạt động khai thác gỗ phát triển. Đáng mừng hơn cả là diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước 6 tháng đầu năm là 588 ha, giảm 24,9% so với cùng kỳ 2021.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4.196,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.

Ghi nhận sự khởi sắc từ tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư và xuất nhập khẩu

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III năm 2022 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II năm 2022.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ 2021.

Đáng chú ý là, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6 ước đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
 Infographic hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: TCTK)

Thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ biến động của chứng khoán toàn cầu, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 15/6/2022 giảm 18,4% so với cuối năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

leftcenterrightdel
  Infographic hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu... 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: TCTK)

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 300,9 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2021. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 345,8 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ 2021.

Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2021. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Phấn khởi hơn nữa là, tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ 2021. Quý II/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 51,6 triệu người, tăng 444,7 nghìn người so với quý trước và tăng 558,9 nghìn người so với cùng kỳ 2021; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 50,5 triệu người. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người, tăng 358,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,3 triệu người.

Tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp để tiếp tục phục hồi kinh tế, duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

leftcenterrightdel
 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: HNV)

Tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc phục hồi kinh tế, duy trì ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát là những nhiệm vụ trọng tâm trong đó, mục tiêu ưu tiên cao nhất vẫn là đảm bảo đời sống của nhân dân. Muốn vậy, cần sự chung sức chung lòng, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và tập trung đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể, gồm có:

Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch COVID-19”, tích cực triển khai tiêm vắcxin kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi và mũi bổ sung tăng cường cho người lớn. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường do kháng thể giảm sau một thời gian tiêm vắcxin và việc xuất hiện các biến chủng mới, ứng phó kịp thời với cấp loại dịch bệnh theo mùa như: sốt xuất huyết, chân tay miệng cùng các nguy cơ từ các dịch bệnh trên thế giới có thể là xâm nhập vào Việt Nam như: bệnh đậu mùa khỉ… bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch.

Hai là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022- 2023, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023, để nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, ra kế hoạch, giải phóng mặt bằng…

Ba là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm pháp để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu thô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản; có chính sách thắt chặt các quy định truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống…

Năm là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón các đoàn khách du lịch quốc tế dịp cuối năm.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Bảy là, tăng cường thông tin, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam, nêu gương các tấm gương “người tốt việc tốt”, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật, gây hoang mang cho người dân./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực