Kịp thời cảnh báo nguy cơ lạm phát

Thứ sáu, 22/07/2022 16:28
(ĐCSVN) - Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu là rất lớn. Lạm phát sẽ chịu tác động của việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng và của cả vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả thời gian qua tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc thế giới có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, giá thịt lợn đang có xu hướng tăng lên, chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6/2022 tăng 0,87% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng, theo đó thịt chế biến tăng 0,69%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 0,67%; thịt hộp tăng 1,08%; thịt chế biến khác tăng 0,28%. Mà nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.

 Lạm phát đang xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới (Ảnh tư liệu)

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, kịp thời cảnh báo nguy cơ lạm phát

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Về phía Bộ Công thương và Bộ Tài chính, cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý. 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu CPI bình quân năm 2022 khoảng 4%, trong bối cảnh áp lực lạm phát cao, phụ thuộc rất lớn vào việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, Tổng cục Thống kê đề xuất nên giãn việc tăng học phí giữa các địa phương. Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Đồng thời, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đặc biệt nữa là tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng tới đây, các dự án được phê duyệt thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ đi vào triển khai thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và các năm sau. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định và thời hạn tại văn bản số 450/TTg-KHTH để đảm bảo tiến độ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Khi có quyết định chính thức giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình, các bộ ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện ngay dự án, tập trung thực hiện và đẩy nhanh tiến độ đảm bảo đúng kế hoạch đặt ra.

Bản thân bộ, ngành và địa phương cần lập kế hoạch cụ thể về thực hiện và giải ngân các dự án của Chương trình, làm căn cứ để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đề ra cũng như cần phân công lãnh đạo bộ và địa phương phụ trách trực tiếp từng dự án thuộc Chương trình; kết quả thực hiện và giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Người đứng đầu bộ ngành và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng.

Đồng bộ các nhóm giải pháp kiểm soát lạm phát (Ảnh: PV) 

Củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp (116,9 nghìn doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021 (trên 64 nghìn doanh nghiệp). Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70 nghìn doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (gần 21 nghìn doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 83,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 60,9%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và đã giải thể có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả đều minh chứng rõ ràng cho niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp khi giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn; Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực; Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch bệnh COVID-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới; Thu hút đầu tư vào nhiều ngành vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; Công tác đào đạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc nhất là có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước; triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực