Anh Lê Huy Sơn hướng dẫn thợ hoàn thiện các sản phẩm đá mỹ nghệ. (Ảnh: Trần Hùng)
Niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt những người thợ chế tác đá khi thời điểm này, làng nghề truyền thống lại trở nên tất bật hơn khi nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp mọi miền đất nước. Họ âm thầm và lặng lẽ, dồn hết tâm huyết, thổi hồn vào đá để cho ra đời những sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất. Để rồi từng chuyến xe hối hả vận chuyển những sản phẩm tinh hoa từ đá lên đường đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Ai cũng như bị hút vào nhịp sống nhộn nhịp vốn có từ bao đời nay ở làng nghề này. Những âm thanh đến "chát tai" với những ai đến đây lần đầu nhưng lại quá đỗi thân thuộc với người dân nơi đây bởi đó chính là miếng cơm manh áo, mang lại cuộc sống ấm no cho họ. Những người thợ chế tác đá mỹ nghệ giờ đây không còn nghĩ đến chuyện bỏ quê đi làm ăn xa. Những ngôi nhà tầng mới mọc lên đã trở thành điểm nhấn cho vùng ven thành phố trù phú.
Dẫn chúng tôi đến xưởng đá của mình, anh Lê Huy Sơn ở phường An Hoạch cho biết, những người thợ ở xưởng của anh đang chuẩn bị chuyển các sản phẩm đã hoàn thiện để giao cho các đại lý ở tỉnh Bắc Ninh. Anh Sơn kể rằng, nghề chạm khắc đá ở làng Nhồi quê anh có từ thời nhà Lý nhưng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, lúc thịnh, lúc suy. Thời điểm làng nghề gặp khó khăn, anh và nhiều thanh niên phải lăn lộn vào Nam, ra Bắc làm nhiều nghề để mưu sinh. Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, mức sống xã hội tăng, nghề chế tác đá mỹ nghệ của địa phương lại tiếp tục phát triển, từ quy mô nhỏ lẻ đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ lần lượt được thành lập đã thu hút phần lớn lao động địa phương vào làm việc với mức thu nhập cao và ổn định. Xưởng quy mô nhỏ thì có từ 2-3 nhân công, lớn thì hàng chục nhân công, mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Đơn cử như anh Hoàng Xuân Cương, Đặng Văn Chung được xem là hai “bàn tay vàng” của xưởng được anh Sơn trả công từ 500.000 - 650.000 đồng/ngày, thợ làm thô cũng được anh trả mức 300.000 đồng/ngày.
Anh Sơn tâm sự: “Người dân làng Nhồi quê tôi có thể nói là sinh ra từ đá, mò mẫm, lục tìm trong đá, vui buồn, thăng trầm cùng đá và làm giàu từ đá”. Vui với người lao động địa phương có việc làm ổn định, anh Sơn càng tâm đắc khi ngày càng có nhiều người giàu lên từ đá. Theo anh, nghề này không gò bó thời gian, điều quan trọng là người dân tự sắp xếp công việc. Nguyên liệu chế tác các sản phẩm đá mỹ nghệ ở An Hoạch ngày trước khai thác tại núi Nhồi, cách đây không xa nhưng khi nguồn nguyên liệu ngày một ít đi thì các cơ sở chế tác phải đi mua đá tận các tỉnh như: Ninh Bình, Nghệ An... Nhờ sự khéo léo của người thợ, nghề sản xuất và chế tác đá ở An Hoạch đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, người dân làm không hết việc, nhất là dịp cuối năm. Toàn phường hiện có 80% người dân có thu nhập ổn định nhờ chế tác đá. Mỗi năm doanh thu từ nghề đá đưa về cho địa phương hàng tỷ đồng. Các sản phẩm của phường đã có mặt ở tất cả các thị trường trong nước, ngoài ra, còn xuất khẩu sang các nước Trung Đông và thị trường Châu Âu…
Chia tay làng Nhồi khi Tết đã cận kề, mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà, chứng kiến làng đá đâu đâu cũng rộn ràng nhịp điệu đá, tiếng đục đẽo vang lên khắp nơi tạo nên những thanh âm rộn ràng trước ngưỡng cửa mùa Xuân, niềm vui trong chúng tôi như nhân lên gấp bội khi những âm thanh rộn ràng đó sẽ mang lại cho người dân làng Nhồi một cái Tết sung túc, đủ đầy./.