Hiện nay, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy nhanh tiến độ.
|
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, ngày 13/1. (Ảnh: MPI) |
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được hoàn thiện trong tháng 3/2024
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ diễn ra ở Nghệ An, ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh năm 2024, rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang đặt ra. Trong đó, yêu cầu đầu tiên phải xác định được lộ trình triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu quy hoạch. Bởi, tất cả các khâu đều liên quan đến tư duy và tầm nhìn của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Để quy hoạch thực sự là công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, gửi xin ý kiến các bộ, ngành trong tháng 3, hoàn thiện và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong tháng 3 để triển khai thực hiện.
Trong đó, các địa phương xây dựng chính sách, cụ thể hóa giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh phải đặt lợi ích chung của đất nước, của vùng, của tỉnh lên trước, tuyệt đối không vì tính cục bộ vào từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương cần phối hợp các bộ, ngành xác định ngay các dự án của địa phương có tính chất liên kết, phát triển liên quan đến ít nhất 2 địa phương trở lên, đặc biệt là giao thông, hạ tầng kết nối và các dự án quan trọng đối với phát triển Vùng các địa phương chủ động đề xuất các hoạt động hợp tác, điều phối chung.
Để các kế hoạch triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng phương án cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch các nguồn vốn đầu tư ngân sách, huy động khác … Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động đề xuất để Hội đồng vùng điều phối việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.
“Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tiếp theo trong năm 2024 là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội Vùng. Đây là nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương báo cáo rà soát cơ chế, chính sách của Vùng, đề nghị Hội đồng Vùng khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá riêng có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng. Trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án đặt ra tại Quy hoạch vùng cần cụ thể hóa và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
|
Đoàn chủ trì Hội nghị. (Ảnh: MPI) |
Tính đến nay, cả nước có 109/111 quy hoạch đã lập xong, đạt 98%; 103 quy hoạch đã được thẩm định; 6 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định; đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 18 Quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 52/63 quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, vùng miền Trung 13/14 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra. Về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, hiện nay đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Hội đồng điều phối vùng đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng.
Cả vùng năm 2023 thu hút được 183 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD. Riêng Nghệ An đã thu hút đầu tư FDI đạt gần 1,4 tỷ USD, với 19 dự án đầu tư mới, là địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, công tác điều phối, liên kết phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, đã triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn Vùng.
Quy hoạch vùng được thông qua sẽ là cơ sở để các địa phương trong Vùng liên kết, hợp tác và phát triển kinh tế- xã hội của Vùng
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: MPI) |
Hội đồng Điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ mới được thành lập từ tháng 7/2023. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian ngắn, Hội đồng điều phối vùng đã triển khai được nhiều hoạt động. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-BKHĐT ngày 5/12/2023 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của văn phòng Hội đồng Điều phối vùng để tham mưu, giúp việc Hội đồng điều phối vùng. Thời điểm hiện tại, hầu hết các bộ, ngành và 14/14 địa phương trong Vùng đã thành lập Tổ điều phối cấp bộ và cấp tỉnh.
Nhờ đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Vùng trong năm 2023 đã đạt kết quả khá với tốc độ tăng trưởng 5,51% và cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%), GRDP bình quân Vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân cả nước (3,65%).
Trong năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố trong Vùng là Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, đến nay, Trung ương và các địa phương đã ban hành đầy đủ các quy định, thủ tục để cụ thể hoá Nghị quyết Quốc hội và đang áp dụng hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 5 chính sách đặc thù, cơ bản. Điều này đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương từ đó tăng cường liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
|
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ góp phần phát triển bền vững vùng. (Ảnh: MPI) |
Về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tổng hợp danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, thống nhất với danh mục tại Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Thứ trưởng thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng năm 2024. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là xây dựng kế hoạch điều phối liên kết Vùng năm 2024 và các năm tiếp theo. Kế đến là triển khai, điều phối, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong Vùng, trong đó tập trung các hoạt động liên kết phát triển bền vững các ngành kinh tế biển kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Thứ trưởng cũng cho biết Hội đồng Vùng sẽ tổ chức điều phối đẩy mạnh phát triển giáo dục-đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng trong thời kỳ quy hoạch, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của các địa phương.
Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: MPI) |
Dịp này, tỉnh Nghệ An cũng công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công bố điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Trong những năm qua, phát huy những tiềm năng lợi thế đó, với khát vọng phát triển, tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, Nghệ An, đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%. Khu kinh tế Đông Nam đóng vai trò động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển đưa Nghệ An lọt tốp 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2023 là 1,6 tỷ USD; trong đó có nhiều nhà đầu tư về điện tử, công nghệ, năng lượng xanh hàng đầu thế giới,…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2045 Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Quy hoạch tỉnh Nghệ An và Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam được được xây dựng với tầm nhìn dài hạn được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ. Quy hoạch tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5-11%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500-8.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40-45%. Hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới với 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và 6 trung tâm đô thị động lực; cùng với Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ tạo những động lực mới để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch của tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng cho rằng không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Nghệ An cần chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để tỉnh trở thành một địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sinh sống.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quy hoạch để khơi thông tiềm năng, do vậy, phải dành nguồn lực của nhà nước, địa phương và xã hội hoá để có thêm nhiều quy hoạch chi tiết về xây dựng, đô thị, khu vực nông thôn, quy hoạch phân khu chức năng… Đây là cơ sở, căn cứ xác định không gian, khơi dậy tiềm năng phát triển của Nghệ An thông qua việc hình thành các hệ sinh thái kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ, giá trị gia tăng.
"Quy hoạch tỉnh Nghệ An cần được đánh giá, nhìn nhận trong mối quan hệ với các địa phương lân cận, trong nội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, và với các vùng kinh tế-xã hội khác. Từ đó, lựa chọn, đề xuất những dự án ưu tiên liên kết nội vùng, liên vùng, tạo sự kết nối liên thông tổng thể, đồng bộ, thống nhất để khơi thông nguồn lực phát triển. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư nhân", Phó Thủ tướng nói.