Lợi ích của dịch vụ hậu cần trong phát triển kinh tế ASEAN

Thứ năm, 04/02/2010 08:16

 

 Tận dụng tối đa lợi ích của lĩnh vực hậu cần trong khối ASEAN - Ảnh: Cát Tường

(ĐCSVN) - Cạnh tranh trong lĩnh vực hậu cần (bao gồm cạnh tranh về quản lý hàng tồn kho, tốc độ giao hàng, hợp lý hóa quá trình lưu chuyển nguyên vật liệu, bán thành phầm trong hệ thống quản lý phân phối vật chất...) đang ngày càng phát triển và đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN.

Những lợi ích đó bao gồm:

Thứ nhất, hậu cần góp phần nâng cao hiệu qủa quản lý, giảm thiểu chi phí trong qúa trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp

Chi phí dịch vụ hậu cần bao gồm các chi phí giao thông vận tải, đóng gói, dự trữ, kiểm kê, hành chính và quản lý. Việc kiểm soát tất cả các chi phí này trong chuỗi dịch vụ hậu cần quốc tế sẽ có lợi ích rất lớn bởi vì giảm chi phí này nghĩa là: Giảm chi phí đầu vào của các hàng hóa, dịch vụ và giảm những rủi ro trong hoạt động kinh tế giữa các quốc gia; Giúp các doanh nghiệp giành được ưu thế trong cạnh tranh, từ đó dẫn đến tăng trưởng thương mại quốc gia; Thúc đẩy tính hiệu qủa không chỉ trong hoạt động sản xuất mà cả trong hoạt động phân phối giữa các cơ sở sản xuất và từ trung tâm phân phối tới nơi tiêu dùng; Giảm sự cách biệt giữa gía tiêu dùng và sản xuất; Khuyến khích sự phân phối lao động một cách hiệu qủa trong khu vực.

Trong khu vực ASEAN, Singapore được xếp vị trí thứ nhất trong số 150 quốc gia về chỉ số phát triển hậu cần LPI (Logistics Performance Index) xét theo các tiêu chí về mức chi phí hậu cần, chất lượng hạ tầng cơ sở và thủ tục hải quan (Chi phi hậu cần của Singapore chiếm ít nhất, 8,3% GDP; Malaysia chiếm 12,7% , Thái Lan chiếm 17,8%). Trong khi chi phí hậu cần của Nhật Bản là 11%, của Mỹ là 10% và EU là 7%.

Thứ hai, hậu cần có tác dụng tiết kiệm và giảm chi phí trong hoạt động lưu thông phân phối

Chi phí lưu thông hàng hóa (chủ yếu là phí vận chuyển) là bộ phận cấu thành giá cả hàng hóa trên thị trường. Vận chuyển là yếu tố quan trọng của lưu thông. Vận chuyển có nhiệm vụ đưa hàng hóa đến nơi tiêu dùng và tạo khả năng để thực hiện giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Các nhà xuất khẩu chỉ cần giảm được 1% chi phí vận chuyển bằng tàu, thuyền sẽ tạo ra được mức tăng cao hơn phần thị trường từ 5 – 8%. Theo nhà kinh tế Jose Tongzone (2007) cho rằng: Sự khác nhau về cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia sẽ làm dao động tới 40% trong chi phí giao thông đối với các nước ở vùng ven biển và tới 60% đối với các nước vùng đất liền. Honorio R. Vitasa và các chuyên gia khác (2007) thì khẳng định, việc tự do hóa các hoạt động dịch vụ cảng biển và điều chỉnh hoạt động của thị trường vận chuyển sẽ giảm tới 1/3 mức chi phí vận chuyển.

Thứ ba, hậu cần góp phần gia tăng gía trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận

Hậu cần là loại hình dịch vụ có quy mô mở rộng và phức tạp hơn nhiều so với hoạt động vận tải giao nhận thuần túy. Trước kia, người kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận chỉ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ đơn giản, thuần túy và đơn lẻ. Ngày nay, do sự phát triển của sản xuất, lưu thông, các chi tiết của một sản phẩm có thể do nhiều quốc gia cung ứng và ngược lại một loại sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiêu thụ tại nhiều quốc gia, nhiều thị trường khác nhau. Vì vậy, dịch vụ mà khách hàng yêu cầu từ người kinh doanh vận tải giao nhận phải đa dạng và phong phú. Người vận tải giao nhận ngày nay đã triển khai cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của khách hàng. Họ trở thành người cung cấp dịch vụ hậu cần logistics (logistics service provider). Dịch vụ hậu cần đã góp phần làm gia tăng gía trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận. Kinh nghiệm của các nước phát triển khẳng định, thông qua việc sử dụng dịch vụ hậu cần trọn gói, các doanh nghiệp sản xuất có thể rút ngắn thời gian từ lúc nhận đơn đặt hàng cho đến lúc giao sản phẩm cho khách hàng từ 5-6 tháng xuống còn 2 tháng. Kinh doanh dịch vụ hậu cần có tỉ suất lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với kinh doanh sản xuất và gấp từ 1-2 lần so với các dịch vụ thương mại khác.

Thứ tư, hậu cần phát triển góp phần mở rộng thị trường trong buôn bán quốc tế

Sản xuất có mục đích là phục vụ tiêu dùng, cho nên trong sản xuất kinh doanh vấn đề thị trường luôn là vấn đề quan trọng và luôn được các nhà sản xuất và kinh doanh quan tâm. Các nhà sản xuất kinh doanh muốn chiếm lĩnh và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình phải cần sự hỗ trợ của dịch vụ hậu cần. Dịch vụ hậu cần có tác dụng như chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa trên các tuyến đường mới đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra. Dịch vụ hậu cần phát triển có tác dụng rất lớn trong việc triển khai và mở rộng thị trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Kinh tế thị trường phát triển, khối lượng và giá trị hàng hóa trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia, các nền kinh tế tăng nhanh chóng. Các dịch vụ hậu cần phục vụ cho quá trình vận chuyển hàng hóa cũng ngày càng phát triển. Các công ty kinh doanh dịch vụ hậu cần xuất hiện ngày càng nhiều, từ chỗ chỉ chuyên kinh doanh một loại dịch vụ (dịch vụ vận chuyển hay dịch vụ giao nhận, kho bãi....) nay đã phát triển thành các tập đoàn kinh tế lớn kinh doanh tất cả các dịch vụ phục vụ cho quá trình lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng.

Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là quốc gia có số công ty hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nhiều nhất (1100 công ty) so với các quốc gia khác, như: Singapore (800 công ty); Inđonêsia và Philippin (700 – 800 công ty); Việt Nam (600 – 800 công ty).

Thứ năm, hậu cần phát triển góp phần giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế.

Chi phí về giấy tờ để phục vụ mọi mặt giao dịch thương mại trên thế giới hàng năm đã vượt qúa 420 tỉ USD. Riêng các loại giấy tờ, chứng từ rườm rà cũng tiêu tốn hết tới hơn 10% kim ngạch mậu dịch quốc tế, ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động buôn bán quốc tế. Hậu cần cung cấp các dịch vụ đa dạng, trọn gói đã có tác dụng giảm rất nhiều các loại chi phí giấy tờ, chứng từ trong buôn bán quốc tế. Cùng với việc phát triển hậu cần điện tử (electronic logistics) khiến cho chi phí giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa càng được giảm tới mức tối đa, chất lượng dịch vụ hậu cần ngày càng được nâng cao sẽ thu hẹp hơn nữa mọi cản trở về không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Các quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn trong hoạt động sản xuất và lưu thông.

Tóm lại, các dịch vụ hậu cần hiệu quả sẽ làm giảm mức chi phí đầu vào của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong khối ASEAN. Nhờ đó, hoạt động thương mại, đầu tư và liên kết ASEAN tăng lên, bảo đảm chống lại sự dao động giá cả trong khu vực, tạo ra thị trường khu vực ngày càng phát triển và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần trên thế giới hiện đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường giao nhận, vận chuyển... Giảm chi phí từng khâu trong dịch vụ hậu cần là phương pháp cạnh tranh tối ưu nhất của ASEAN./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực