Long An: Chuyển đổi số mạnh mẽ từ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Thứ tư, 06/11/2024 14:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Giám đốc Sở Tông tin và Truyền thông tỉnh Long An: Việc xây dựng chính quyền số, phát triển từ chính quyền điện tử được xác lập từ nhiều năm trước. Đây là khởi điểm đầu tiên để xây dựng ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Long An.
 Tổng đài 1022 được vận hành hiệu quả để phục vụ tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân với chính quyền và các kênh tương tác trên môi trường số.

Đồng chí Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An cho rằng, nói đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thì phải nói ngay đến việc xây dựng chính quyền số, việc này phát triển từ chính quyền điện tử được xác lập từ nhiều năm trước.Đây là khởi điểm đầu tiên để xây dựng ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Long An.

Đến nay, công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân được thực hiện theo quy trình, thống nhất trên một hệ thống trên môi trường mạng từ tỉnh đến cấp xã. Tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay có khoảng 88% thủ tục hành chính được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến, có khoảng 98% hồ sơ nộp trực tuyến. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp hầu hết chuyển sang môi trường mạng thông qua việc sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản điện tử, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến và đặc biệt là đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh với các ứng dụng: Long An IOC, Long An Số và các dịch vụ số thiết yếu như: Giám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; giám sát hành chính công; giám sát trả lời phản ánh kiến nghị trên Tổng đài 1022; giám sát an toàn giao thông, an ninh trật tự...

Sau hơn 2 năm triển khai và vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Long An đã thể hiện được vai trò kết nối liền mạch, thuận tiện và hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp. Đến nay, việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan qua các kênh tương tác trên môi trường số hầu hết được xử lý thỏa đáng. Tại Trung tâm IOC, các phản ánh được phân thành lĩnh vực, phân cấp (sở ngành hoặc địa phương) và ngay lập tức chuyển về nơi chịu trách nhiệm để xử lý, phản hồi. Kết quả xử lý đều được thông báo qua Tổng đài 1022 và công bố trên Cổng thông tin 1022, đặc biệt là thông qua nền tảng "Long An số".

Nền tảng công dân số “Long An Số” giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thiết yếu. Từ khi triển khai vào năm 2022, đến nay đã có nhiều dịch vụ thiết yếu của các cơ quan nhà nước được xây dựng, tích hợp vào ứng dụng Long An số để phục vụ người dân, doanh nghiệp như các dịch vụ về điện, việc làm, y tế, bảo hiểm xã hội, giao thông… Đến nay đã có trên 420.000 lượt người dùng tải về sử dụng/truy cập trên tất cả các nền tảng, tăng trên 200.000 lượt so với năm 2023. Tỷ lệ người dân phản ánh sự hài lòng khi sử dụng các dịch vụ này trên ứng dụng “Long An số” là trên 60%.

 Tuổi trẻ Long An thực hiện mô hình "Tuyến phố thương mại 4.0 không dùng tiền mặt".

Bên cạnh đó, Tổng đài 1022 được vận hành hiệu quả để phục vụ tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân với chính quyền và các kênh tương tác trên môi trường số. Kết quả tiếp nhận PAKN qua 1022: Từ đầu năm đến ngày 06/11/2024 đã tiếp nhận trên 2.500 phản ánh, kiến nghị, tỷ lệ trả lời đúng hạn đạt 93%; nâng tổng số lên gần 5.000  phản ánh, kiến nghị từ khi vận hành hệ thống đến nay.

Ứng dụng Long An số, Tổng đài 1022 giúp kết nối hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, giúp các cơ quan nhà nước các cấp nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; qua đó tăng mức đồ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Về Kinh tế số, theo đồng chí Nguyễn Bá Luân, thời gian qua tỉnh cũng rất quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cũng đạt được kết quả bước đầu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 447 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNTT.

Tỉnh cũng quan tâm tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh). Theo số liệu cung cấp của Tổng cục thống kê thì tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP Long An đạt 5,68% trong năm 2023 (Nghị quyết 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra: Đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 15%).

Về trụ cột Xã hội số, tỉnh Long An tập trung phát triển hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số. Đến nay, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 87% (trên tổng số người sử dụng ĐTDĐ); tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 90,6% (đối với Long An vượt mục tiêu Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của tỉnh và theo định hướng của Bộ TTTT: 85% và 90%).

Bên cạnh đó, với mục tiêu “Chuyển đổi số xuất phát từ cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng”, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đến nay, 188/188 xã, phường, thị trấn đã thành lập 998 Tổ CNSCĐ đồng tại từng ấp, tổ dân phố (tăng 02 Tổ so với năm 2023) và với 5.485 thành viên tham gia; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng số cho lực lượng này, làm cánh tay nối dài giúp chính quyền lan tỏa chuyển đổi số rộng khắp trong xã hội./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực