Long An đầu tư các công trình điện phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ sáu, 23/10/2020 17:03
(ĐCSVN) – Xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng nhằm thúc đẩy nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Long An đã quan tâm đầu tư các công trình điện phục vụ Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 Cây thanh long được coi là cây trồng chủ lực ở Long An. Hiện người trồng thanh long đã áp dụng công nghệ cao vào trồng loại cây ăn quả này.

Ngành nông nghiệp trên thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất mang tính công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Đây là hướng đi đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu.

Một số thiết bị hiện đại như nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều kiển chế độ tiểu khí hậu, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, hệ thống tưới nước… được áp dụng trong sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Khi trồng rau, hoa trong nhà kính hay nhà lưới và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo được môi trường tốt cho cây trồng phát triển. Nhờ đó, năng suất có thể đạt gấp 5- 10 lần so với canh tác truyền thống. Công nghệ sản xuất này đã được khuyến khích ứng dụng trồng thanh long hay một số trang trại rau an toàn tại nhiều huyện của Long An đem lại năng suất khá cao, chất lượng tốt, bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thanh long hay các loại rau củ có thể xuất khẩu với giá rất tốt sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khó tính khác.

Báo cáo từ Sở Công thương Long An cho biết: Trong những năm qua, kinh tế trên địa bàn tỉnh Long An luôn phát triển ở mức rất cao so với các tỉnh, thành phía Nam, do đó việc chú trọng đầu tư xây dựng các trạm nguồn và lưới điện phân phối nhằm đảm bảo cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh luôn là một trong những yêu cầu cấp bách và ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Hệ thống điện mặt trời được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo báo cáo từ Sở Công thương Long An, trong năm 2018 - 2019, UBND tỉnh cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam/Công ty Điện lực Long An ứng vốn tỉnh để thực hiện các dự án cấp điện trạm bơm và các danh mục cấp thiết phục vụ Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa và cây rau với tổng mức đầu tư 46,4 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực miền Nam bố trí 50% vốn đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng mới 43,38km đường dây trung thế; 11,2 km đường dây hạ thế; tổng dung lượng trạm phân phối là 4.407kVA. Các công trình đã hoàn tất nghiệm thu đóng điện vận hành trong năm 2019.

Năm 2020, thực hiện Quyết định của tỉnh về việc tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2019 cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam để xây dựng các công trình điện phục vụ đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và UBND tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận ứng vốn ngày 02/3/2020 với tổng mức đầu tư là 73,4 tỷ đồng, trong đó vốn ứng của tỉnh 21 công trình với tổng mức đầu tư là 39,6 tỷ đồng; vốn ngành điện 31 công trình với tổng mức đầu tư là 33,8 tỷ đồng.

Đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển (đầu tư công) bố trí cho các công trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là hơn 19,8 tỉ đồng, cao hơn số dự kiến trong đề án được duyệt là hơn 9,8 tỉ đồng. Các nguồn vốn như lúa nước, cấp bù thủy lợi phí, dự án VnSAT… cũng được ưu tiên thực hiện, hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, các huyện bố trí ngân sách huyện lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Trong đó, huyện Đức Hòa đã thực hiện xong các công trình về đường, điện, hệ thống kênh nội đồng phục vụ vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao ở 3 xã Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam và Tân Mỹ.

Huyện Cần Giuộc hằng năm thực hiện trung bình khoảng 20 công trình nạo vét kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn; cải tạo, nhựa hoặc bê-tông 100% đường trục xã, nâng cấp cải tạo 100% các tuyến trục ấp, trục chính nội đồng (cứng hóa) thuộc các xã thuộc vùng thực hiện đề án.

Thanh long được trồng nhiều ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ - Long An. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong xây dựng trạm bơm điện nhỏ cho vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã hoàn thành 33 trạm/79 trạm, đạt 41,77%; 4 trạm bơm đang xây dựng hoàn thành trong năm 2020; 42 trạm chưa xây dựng. Nguyên nhân một số trạm bơm điện còn chờ đầu tư hệ thống cống khép kín mới xây dựng được, thay đổi thiết kế cho phù hợp, chờ đầu tư lưới điện mới.

Đối với đầu tư đường điện phục vụ cho vùng lúa, vùng rau ứng dụng công nghệ cao, đã đầu tư 99 công trình với tổng mức đầu tư là 129,5 tỉ đồng (điện trạm bơm vùng lúa ứng dụng công nghệ cao là 63 công trình, tổng mức đầu tư là trên 98,6 tỉ đồng; các công trình cấp điện trạm bơm vùng rau ứng dụng công nghệ cao 36 công trình, tổng mức đầu tư là gần 30,9 tỉ đồng). Từ kết quả đầu tư lưới điện năm 2018 và nhu cầu sử dụng điện năm 2019 đã được phê duyệt, hệ thống điện đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đến cuối năm 2020 hoàn thành đạt 100% so với dự kiến đề ra.

Trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đến năm 2020 xây dựng 170 danh mục công trình, trong đó vùng lúa 135 danh mục, vùng rau 31 danh mục, vùng thanh long 4 danh mục. Tổng kinh phí phân bổ 2017 - 2020 là gần 199 tỉ đồng, trong đó vốn lúa nước là gần 65 tỉ đồng, vốn cấp bù thủy lợi phí là trên 84 tỉ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư vào phục vụ sản xuất, thời gian qua ngành điện cũng rất quan tâm đến việc đầu tư đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân. Qua những nỗ lực trong việc đầu tư và cải tạo lưới điện trong thời gian qua, đến nay toàn tỉnh Long An có 100% xã, phường có điện lưới quốc gia. Hiện tổng số hộ có điện là 449.981/450.176 hộ, đạt tỷ lệ 99,96%, còn 195 hộ chưa có điện lưới quốc gia. Qua khảo sát 195 hộ chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An cho thấy, đây là các hộ nông thôn nằm rải rác thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc các xã trên địa bàn tỉnh.

Tin và ảnh: Hoàng Thành

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực