Long An phấn đấu sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn

Thứ ba, 12/05/2020 16:37
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, vụ lúa đông xuân 2019-2020 của bà con nông dân ở địa phương này được mùa, được giá, có lãi sau thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi nên sản xuất vụ hè thu tới phải bảo đảm đáp ứng lương thực cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Mô hình sản xuất lúa công nghệ cao đang được áp dụng hiệu quả ở Long An.
(Ảnh: K.V) 

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh Long An gieo sạ trên 227 nghìn ha, đạt 99,98% kế hoạch, do hạn, mặn thiếu nước tưới, nên các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước và TP.Tân An chủ động bỏ vụ, một số ít diện tích chuyển sang trồng cây khác. Mặc dù vậy, nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó nên nông dân trên địa bàn tỉnh Long An có một vụ đông xuân được mùa, được giá.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, vụ sản xuất lúa này diện tích giảm nhưng bù lại, năng suất tăng, giá cũng tăng nên nông dân có lợi nhuận tăng, ước bình quân từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha, cao hơn 2 đến 3 triệu đồng/ha so với vụ đông xuân 2018-2019.

Ông Phan Văn Nỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng cho hay, mặc dù diện tích gieo sạ vụ đông xuân năm nay giảm và không đạt kế hoạch do nhiều người dân tự phát chuyển sang đào ao nuôi cá tra bột nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu, bệnh, năng suất và giá lúa tăng so với vụ đông xuân 2018-2019 nên nông dân có lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, vụ đông xuân này, huyện Tân Hưng còn triển khai thực hiện được trên 4.500 ha lúa ứng dụng công nghệ cao với khoảng trên 1.000 hộ nông dân tham gia.

Tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, lúa đông xuân 2019-2020 đã được bà con thu hoạch dứt điểm, nông dân đang chuẩn bị cho vụ hè thu. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nhằm phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt trên 2,7 triệu tấn, ngành nông nghiệp tỉnh Long An sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất vụ hè thu và thu đông 2020. Theo đó, các địa phương phải tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa vụ hè thu hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ đông xuân ít nhất 3 tuần thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm gắn với bản đồ cơ cấu mùa và lịch né rầy.

Những vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Riêng về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực là OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, ST, OM 6976,… Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,...; cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Sumitri,... giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ hè thu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5, giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng tuyên truyền thường xuyên việc giảm lượng giống gieo sạ, lượng giống gieo sạ khuyến cáo khoảng 100kg/ha; tổ chức khuyến cáo nông dân ứng dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ cho lúa và tưới nhỏ giọt, phun mưa cho cây trồng khác điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra sự cố rò rỉ nước mặn tại các cửa cống, hoàn chỉnh hệ thống đê bao dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết, để đạt mục tiêu sản lượng 2020 thì các ngành chức năng cùng các địa phương cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; tập trung mọi điều kiện khắc phục bất lợi của thời tiết để ứng dụng thâm canh, phòng trừ dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất. Ngoài ra, thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản hàng hóa. Vụ hè thu tới, các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ; riêng các địa phương có diện tích lúa hè thu sớm đã gieo sạ cần tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sâu bệnh./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực