Long An: Tổng sản lượng lúa năm 2019 đạt trên 2,769 triệu tấn

Thứ tư, 01/01/2020 19:26
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, năm 2019, tổng diện tích lúa gieo cấy của địa phương này đạt 506.258ha, sản lượng lúa cả năm đạt trên 2,769 triệu tấn…
leftcenterrightdel
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở Long An (Ảnh: K.V) 

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, sản xuất nông nghiệp của Tỉnh trong năm qua, ngoại trừ chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng, trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi khác đều phát triển, hiệu quả, nông dân có lãi. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao. Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như cơ giới hóa trong sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ sinh học,… tiếp tục cho hiệu quả cao.

Cũng trong năm 2019, tổng diện tích lúa của Long An đã đạt 506.258ha, sản lượng láu cả năm trên 2,769 triệu tấn, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 1,37 triệu tấn. Đến nay, tỉnh Long An đã có trên 15.075ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 75,38% kế hoạch. Trong đó có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao và cơ giới hóa trong sản xuất. Kết quả từ các mô hình điểm cho thấy, chi phí giảm so với ngoài mô hình từ 0,8 đến 1,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2 đến 4 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6 - 8 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, một số nông dân còn sử dụng “Máy bay thông minh siêu nhẹ trong phun thuốc quản lý dịch hại trên cây trồng”. Được biết, từ năm 2013 tỉnh Long An đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu với diện tích canh tác hơn 48.000 ha ở 25 xã thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của chương trình là phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân. Theo đó, nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… đảm bảo 100% sản lượng lúa thu được phải là lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, các diện tích lúa trong vùng quy hoạch sẽ sản xuất theo hướng VietGap.

Trong quá trình thực hiện, Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, xây dựng và sửa chữa các trạm bơm điện… đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh việc sử dụng lúa giống xác nhận, xây dựng các cánh đồng lớn… Từ đó đã giúp cho năng suất, sản lượng lúa chất lượng cao không ngừng tăng lên. Đồng thời, Tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, vận động người dân tham gia và các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng hợp tác trong các khâu của quá trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả,…

Long An hiện có trên 5.400 ha lúa, gần 1.300 ha rau và 900 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thành lập mới 2 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác trong vùng đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tỉnh Long An cũng phấn đấu đến năm 2020, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó lúa 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000ha và bò thịt 5.000 con; có từ 1 đến 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Địa phương này cũng đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến; đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đang có chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực