Lưu ý vấn đề ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 5

Chủ nhật, 12/09/2021 00:52
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, theo dự báo, cấp độ gió của bão số 5 không quá lớn, tuy nhiên, nguy cơ lớn là ảnh hưởng của mưa. Chính vì vậy, ngập lụt là vấn đề rất cần được các địa phương lưu ý.

Chiều 11/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và một số địa phương để bàn giải pháp ứng phó với bão số 5.

 Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai (Ảnh: NH)

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo, từ 6-12 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây với tốc độ chậm, khả năng cường độ suy yếu dần, đạt cấp 8.

Hiện tại, khu vực đảo Lý Sơn đã có gió mạnh, đặc biệt trên đất liền. Tại Đà Nẵng, quan trắc trong chiều 11/9 đã có gió giật cấp 5,6. Bão số 5 đã tác động gây mưa từ đêm hôm qua (10/9), có gió từ sáng và trưa nay (11/9).

“Về dự báo quốc tế vẫn có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung cơn bão này đi vào khu vực Trung Trung bộ, và sẽ suy yếu khi tiến sát vào bờ”- ông Khiêm cho biết.

Ông Khiêm cũng đưa ra nhận định, vùng ảnh hưởng của bão trọng tâm tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Về tình hình mưa, tập trung trong ngày hôm nay (11/9) và sáng ngày mai (12/9), đến vài trăm mm. Lượng mưa dự báo cho các khu vực trọng tâm như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi mưa từ chiều nay đến chiều 13/9 có thể từ 200-300mm, một số nơi cao hơn. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ, tập trung tại các khu vực như: thành phố Huế, Tam Kỳ, Hội An,…

Theo Đại tá Phạm Hải Châu – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có 3 công điện gửi các đơn vị nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão để sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo từ quân khu 1 đến quân khu 5, trong đó, quân khu 4, quân khu 5 là hai địa bàn trọng điểm trực tiếp bão đổ bộ. Hiện nay, các lực lượng đã tham gia giúp dân. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão, kiểm tra khu vực ngập lụt, sạt lở để sơ tán người dân đến nơi an toàn và sẵn sàng khắc phục sau mưa lũ.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho biết, ứng phó với bão số 5, hiện nay thành phố đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền của thành phố, đồng thời đưa các tàu thuyền của các địa phương bạn về nơi tránh trú. Trong đó, với 314 tàu ngoại tỉnh với 849 người đã được bố trí khu vực riêng để quản lý. Hiện nay, toàn bộ thuyền viên này được tiến hành test COVID-19 và khi có lệnh sẽ di chuyển ngư dân lên bờ an toàn. Thành phố đã kiểm tra khu vực có nguy cơ ngập úng và đã lên phương án di dân ở những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng về nơi an toàn.

Đại diện lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước bão số 5, địa phương đã có chỉ đạo các chủ đầu tư, đặc biệt là các công trình đang thi công, công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra ứng phó với bão tại các hồ thủy điện, thủy lợi và âu thuyền trên địa bàn tỉnh.

Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra cắt tỉa cành cây, gia cố hệ thống cây xanh, điện để có phương án đảm bảo an toàn điện.

Bên cạnh đó, hiện nay, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đã vào trú tránh an toàn. Với 54 phương tiện ngoại tỉnh neo đậu tại cảng cá, địa phương đã bố trí điểm sơ tán, đảm bảo an toàn cho người trên các tàu thuyền, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Hiện nay vụ Hè Thu của tỉnh đã được thu hoạch 97%. Tỉnh đã có phương án và dự trữ được 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát phương án di dời các hộ dân trong khu ảnh hưởng của bão với dự kiến 18.000 hộ với 64.000 khẩu đến nơi an toàn.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: NH)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, theo dự báo, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền sáng ngày mai (12/9) và có ảnh hưởng trực tiếp trong tối nay. Đến thời điểm này, dự báo cấp độ gió của bão không quá lớn, tuy nhiên, nguy cơ lớn là mưa. Chính vì vậy, vấn đề ngập lụt hiện nay đang là vấn đề rất cần được các địa phương lưu ý.

Theo đó, nếu bão đổ bộ kết hợp cùng với triều cường sẽ gây ngập lụt khá lớn, đặc biệt khu vực ven biển. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi kỹ vấn đề này.

Thứ trưởng cũng nêu rõ đến thách thức khi bão đổ bộ trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Trong đó, chỉ tính riêng Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam đã có trên 2.000 ca F0 và hàng nghìn ca F1. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong chỉ đạo cần quyết liệt hơn, cách làm khác hơn, các kịch bản phải chi tiết hơn.

“Nguyên tắc là chúng ta hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Bám sát các kịch bản, gió mưa như thế, nếu bắt buộc di dân cần cố gắng di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó là tốt nhất” – Thứ trưởng Hiệp nêu rõ.

Thêm một nguyên tắc Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý đó là cần thông suốt trong chỉ đạo. Thứ trưởng nêu rõ câu chuyện, xe cộ đi lại trong bão như thế nào?. Sau bão nếu không có luồng xanh riêng cho các cơ quan tham gia ứng phó thiên tai thì có trở ngại?. Do đó, cần thống nhất trong chỉ đạo điều hành.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh đến vấn đề dứt khoát các thuyền viên và người lao động trên các tàu thuyền phải lên bờ. Đề nghị không để thuyền viên trên tàu thuyền. Các địa phương test nhanh COVID-19 và đảm bảo chỗ nghỉ ngơi an toàn, khu cách ly cho những thuyền viên, ngư dân này. Bên cạnh đó, không để người dân trên lồng bè chòi canh. Về vấn đề này, Thứ trưởng Hiệp đề nghị lực lượng xung kích rà soát lại, vận động bà con vào bờ.

Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra lại các khu vực ngập lụt, và có phương án đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân ở khu vực này. Đồng thời, cần có thông báo cụ thể cho người dân về mực nước dâng do mưa gây ra để người dân chủ động có biện pháp kê cao tài sản,…

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, trong đó cần quan tâm đến các hồ chứa nhỏ. Hiện một số hồ chứa đã có dung tích 60-70%, chỉ cần 1 trận mưa là đầy, do đó cần có tính toán để tránh lũ chồng lũ./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực