Mai Châu (Hòa Bình) chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 11/05/2021 15:56
(ĐCSVN) - Quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Mai Châu (Hòa Bình) có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện nay, 88,04% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 6 dân tộc gồm Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Hoa. Bám sát đặc thù của địa bàn vùng cao, đa dân tộc, nên việc thực hiện chính sách dân tộc, phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng yếu. Theo đó, huyện Mai Châu đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc...

Từ năm 2019, gia đình anh anh Hà Văn Hòa ở xóm Đậu, xã Tòng Đậu (Mai Châu) được hỗ trợ số vốn vay ưu đãi là 45 triệu đồng để xây dựng chuồng và mua 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh Hòa còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch cho bò. Đến nay, 1 con bò đã sinh sản. Ngoài ra, gia đình anh Hòa và nhiều hộ ở xã Tòng Đậu còn được tiếp cận vốn từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình phụ. Từ vốn vay ưu đãi đã giúp các hộ dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế. "Trước đây, gia đình tôi cũng đã từng nuôi bò nhưng do khó khăn nên đành bán đi. Nay được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, gia đình tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc và tăng đàn để phát triển kinh tế”, anh Hà Văn Hòa phấn khởi cho biết.

Tương tự như anh Hòa, trước kia gia đình chị Đinh Thị Miên, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng khoản vay mượn thêm từ người thân, bạn bè, gia đình chị Miên đã xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Vừa làm vừa mở rộng quy mô chuồng trại và quy mô, đến nay, chị Miên thường xuyên duy trì đàn vật nuôi với trên 20 con lợn thịt, 200 con gà... Chị cũng phát triển thêm 200m2 ao thả cá. Bình quân thu nhập hằng năm của gia đình vào khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm. Vợ chồng chị cũng có thêm điều kiện để chăm lo việc học hành của các con.

Gia đình chị Đinh Thị Miên vươn lên phát triển sản xuất từ nguồn vốn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: HA). 

Được biết, gia đình anh Hòa và gia đình chị Miên chỉ là hai trong số hàng nghìn lượt gia đình ở huyện Mai Châu đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đến nay ước đạt trên 270 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay. Trong đó, các chương trình cho vay có dư nợ lớn như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...  Bên cạnh đó, UBND huyện Mai Châu cũng đã chủ động khai thác các nguồn lực, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển hạ tầng cơ sở của địa phương. Trong giai đoạn 2019 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, xóm đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mai Châu là gần 25 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng 41 công trình gồm nhà lớp học, đường giao thông, thuỷ lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh thoát lũ và thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Nhiều chính sách khác đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được thực hiện có hiệu quả như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, hiệu quả thu được từ các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Mai Châu đã thúc đẩy đổi mới bộ mặt nông thôn, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiếp cận với những tiến bộ để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Tư tưởng ỷ lại dần được khắc phục; bà con đã tích cực sản xuất theo hướng khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều hộ đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, kinh tế hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có những chuyển biến tích cực.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lâm - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, hiệu quả lớn nhất trong chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đó là trực tiếp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con; thiết thực tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước; đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển bền vững.

Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Mai Châu (Hòa Bình) đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối hoàn thiện đã tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng; người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã góp phần vào hoạt động xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn huyện.

Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, tuy còn nhiều khó khăn, nhất là những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, song cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mai Châu sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chăm lo phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép các chương trình hỗ trợ gắn với định hướng phát triển sản xuất cho đồng bào theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Nguyên Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực