Minh bạch - điều kiện tiên quyết cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển

Thứ tư, 22/05/2024 15:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trái phiếu được xem là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gây bất ổn trên thị trường, thì điều kiện tiên quyết giúp khách hàng lấy lại niềm tin, TPDN có thể phát triển bền vững, chính là minh bạch thông tin.
 Ảnh minh họa (Ảnh: thoibaonganhang.vn)

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018 - 2021, những khó khăn của thị trường TPDN xảy ra vào năm 2022, tỷ lệ dư nợ giảm từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP, nhưng so với tổng vốn huy động thì quy mô trái phiếu còn nhỏ hơn nữa. Vốn trái phiếu khoảng 8% so với tín dụng, các doanh nghiệp hiện nay chưa tiếp cận đúng nghĩa thị trường vốn mà vẫn thông qua ngân hàng huy động vốn ngắn hạn. 

Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay, với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP là khó; đến năm 2030, mục tiêu dư nợ TPDN đạt được 25% cũng rất khó.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2024, có tổng cộng 13 đợt phát hành TPND riêng lẻ với trị giá 13.940 tỷ đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ với trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng với trị giá 8.878 tỷ đồng. Con số này, nếu so với sự “đóng băng” của thị trường trong năm 2023, thì có vẻ thị trường đang “ấm dần” lên. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước đó thì còn quá thấp.

GS.TS Hoàng Văn Cường còn nhận định, doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó dù lãi suất rẻ hơn. Vì vậy, nguồn vốn đến từ TPDN vẫn là điều các doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, muốn phát hành được TPDN thì doanh nghiệp phải gây dựng được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.

Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam VIS Rating cho hay, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam không hề nhỏ. So với các nước trong khu vực, chúng ta rơi vào khoảng 47 tỷ USD, cao hơn Philippines, Indonesia nhưng nhỏ hơn Malaysia và Thái Lan. 

Nhìn vào mục tiêu năm 2030 phải đạt 25% GDP, theo ông Minh là rất khó. Nếu Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP tốc độ bình quân 5,5 - 6% cho 8 năm tới thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vào khoảng 160 - 170 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với quy mô hiện tại. Lúc đó, thị trường TPDN của Việt Nam sẽ tương đương với Malaysia. Và bình quân 8 năm tới, mỗi năm, Việt Nam phải phát hành mới khoảng 370 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tương đương kết quả năm 2020 - năm đỉnh cao trước khi bùng nổ những vấn đề trên thị trường. 

Ông Minh cũng đưa ra 3 điều kiện cần để giúp thị trường TPDN Việt Nam phát triển đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, điều kiện tiên quyết là minh bạch thông tin, bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ, và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.

Bên cạnh đó, điều kiện thứ hai là cần có đường cong lãi suất TPDN làm tham chiếu để nhà đầu tư dựa vào đó biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch.

Điều kiện thứ ba là thị trường cần được thay đổi cơ cấu nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Việt Nam đang đóng tỷ lệ sở hữu TPDN cao. Theo thống kê của VIS Rating, cuối năm ngoái, nhà đầu tư sở hữu 33% tổng giá trị TPDN đang lưu hành. Ngược lại, với các thị trường khác, muốn phát triển TPDN thông qua việc phát hành kỳ hạn dài, thì đều được nắm giữ bởi các nhà đầu tư là tổ chức.

Ông Minh vẫn nhấn mạnh, ở thời điểm này, chúng ta làm rất tốt tiền đề và bước đầu tiên giải quyết vấn đề cho điều kiện 1 và 2. Nếu làm được, thị trường TPDN sẽ phát triển về chất lượng và số lượng tốt hơn so với giai đoạn trước.

Bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thì quan trọng nhất làm sao vừa minh bạch thông tin, vừa đảm bảo thông tin chính xác tin cậy. Tuy nhiên, minh bạch nhưng không có độ đảm bảo về mặt pháp lý thì khó. Vì vậy, theo bà Quỳnh Như, cơ quan giám sát phải chặt chẽ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước. Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng. Với tài sản đảm bảo là bất động sản, một số doanh nghiệp đã xảy ra hoặc có xu hướng manh nha không có khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra. 

Để tăng cường sự minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN. Ngoài ra, có nhiều bên liên quan khác cần thông tin liên quan đến xếp hạng tín nhiệm.

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp nhà đầu tư có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.

Đối với các doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm cũng quan trọng, kết quả tốt thì doanh nghiệp có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. Xếp hạng tín nhiệm cũng là công cụ cho doanh nghiệp căn cứ vào đó để định giá cho công cụ tài chính do mình phát hành.

Đối với cơ quan quản lý giám sát, xếp hạng tín nhiệm là kênh thông tin không thể thiếu, giúp đưa ra phương pháp giám sát, theo dõi phù hợp cả một chu trình mà công cụ nợ sẽ tồn tại.

Ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp nhóm doanh nghiệp, Khối Xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating cũng nhận định, thông tin trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm đối với một doanh nghiệp sẽ là công cụ trực quan để nhà đầu tư tham chiếu, phân tích và đưa ra quyết định.

Cùng với đó, các báo cáo xếp hạng tín nhiệm sẽ tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu, tức là phân loại chất lượng từng loại trái phiếu thông qua việc phản ánh rủi ro các đơn vị phát hành như: rủi ro thanh toán, tài sản bảo đảm…

Như vậy, nếu muốn lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thì quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin và thông tin đảm bảo chính xác, tin cậy. Có như vậy thị trường TPDN mới phát triển thực sự bền vững, phát huy được vai trò kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực