Ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với 5,4% trong năm 2016 (Ảnh: BT)
Xuất khẩu đạt ngưỡng 32,1 tỷ USD Từ đầu năm 2016, ngành nông nghiệp đã phải hứng chịu đợt rét đậm, rét hại ở một số tỉnh miền núi phí Bắc, gây nhiều thiệt hại đến kết quả sản xuất của bà con về trồng trọt và chăn nuôi. Tiếp đến là đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đợt hạn, xâm nhập mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại hàng trăm ha sản xuất của bà con nông dân, đặc biệt về cây lúa. Cuối năm, liên tục từ đầu tháng 10 đến tháng 12/2016, các đợt lũ liên tiếp xảy ra đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Tác động của thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất của ngành nông nghiệp. Cùng với đó, thị trường thế giới năm 2016 với tổng cung luôn lớn hơn tổng cầu về các sản phẩm nông sản thiết yếu đã làm cho hoạt động điều hành, sản xuất của ngành nông nghiệp hết sức vất vả, khó khăn.
Tuy vậy, bằng sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả tiêu biểu trong năm 2016. Thứ nhất, ngành nông nghiệp đã tập trung cùng với cả hệ thống chính trị, toàn dân ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Đơn cử có thể kể đến, cơn bão số 1 đã làm 229.000ha, chiếm khoảng 40% diện tích lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Tuy vậy, bằng sự kịp thời trong công tác chỉ đạo, sản xuất lúa của vùng vẫn đạt năng suất từ 60-62 tạ/ha.
Thứ hai, mặc dù 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của ngành lần đầu tiên trong 10 năm qua giảm 0,18%, tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực, những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp đã phục hồi lại đà tăng trưởng. Theo số liệu ước tính, GDP của ngành đã tăng 1,2%, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%. Trong đó một số ngành đạt tốc độ tăng trưởng khá như: chăn nuôi tăng 5,4%, lâm nghiệp tăng 6,17%, thủy sản tăng 2,91%.
Thứ ba, trong hoàn cảnh khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhưng bằng việc tập trung vào những dư địa có thế mạnh, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 vẫn đạt mức cao, ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD; tiếp tục duy trì được 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
Năm 2016 cũng chứng kiến những ngành hàng có thế mạnh của ngành tiếp tục phát triển, mang lại giá trị xuất khẩu lớn. Như ngành thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ, tốc độ phát triển năm nay tăng tới 9% và hiện còn tiềm năng phát triển khoảng 700.000ha. Với ngành hàng rau quả, năm 2016 có sự phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vượt trội, cán đích 2,4 tỷ USD, cao hơn năm 2015 với mức 1,9 tỷ USD.
Tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt”
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn phải nhìn lại, nền nông nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, sản xuất còn manh mún với tổng số 13,8 triệu hộ và trên 70 triệu mảnh ruộng. Vì vậy, việc tháo gỡ “nút thắt” về đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nhằm phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Công tác tổ chức sản xuất cũng là một trong những vấn đề đáng bàn của ngành nông nghiệp. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bàn đến: “Muốn có một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân theo quy mô Hợp tác xã gắn với doanh nghiệp nhằm hình thành được những chuỗi sản phẩm, vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định”.
Không chỉ có vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt ở các vùng kinh tế - xã hội, để thích ứng được với điều kiện mới, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất phù hợp với những tiến trình của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu những cách làm hay, những giải pháp phát huy được những mặt tích cực mà biến đổi khí hậu đưa lại, đồng thời giảm thiểu những yếu tố tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Triển khai “3 trục” sản phẩm chính
Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ lớn, đó là: tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm thủy sản đạt 2,5-2,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3-3,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32-32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 28-30%. Năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục xác định là năm cao điểm hành động về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về quản lý ngành, cần rà soát từ Trung ương đến địa phương nhằm có sự đổi mới theo hướng quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2017, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung “ba trục” sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố và nhóm sản phẩm vùng, miền. Với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn; tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương để quy hoạch và phát triển theo hướng như sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương. Nhóm sản phẩm vùng, miền là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tất cả các trục này, khi hình thành xong, cần có vùng sản xuất tập trung và có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh, cần có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết, thực hiện kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Trong đó, cần huy động được nguồn lực của xã hội cùng với nguồn ngân sách của nhà nước nhằm thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới./.