Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)
Tại buổi họp báo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, theo kế hoạch triển khai Năm APEC Việt Nam 2017, VCCI đã được Chính phủ giao chủ trì tổ chức các sự kiện và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm: Ngày 13/9, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC sẽ diễn ra tại TP.HCM, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa; Từ ngày 4 – 7/11, Kỳ họp lần thứ tư của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Đặc biệt, từ ngày 8 – 10/11, VCCI sẽ tổ chức một số hội nghị quan trọng tại Đà Nẵng như: Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam; Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017); Đối thoại giữa thành viên ABAC và Lãnh đạo Kinh tế APEC…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, qua trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC, Năm APEC Việt Nam 2017 được xem là một trong những hội nghị được cộng đồng kinh doanh thế giới quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ nhất. Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều báo cáo của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam và mong muốn sẽ mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam.
“Chính vì thế, với cơ hội lớn từ APEC 2017, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế APEC”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC đã thông báo về kết quả kỳ họp của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ nhất tại Bangkok, Thái Lan được tổ chức từ 19-23/02 vừa qua.
Ông Dũng cho biết, trong các nội dung thảo luận, về việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ABAC đã trao đổi về các vấn đề tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu…
Đặc biệt, trước hiện tượng chống toàn cầu hóa và bảo hộ có dấu hiệu gia tăng, ông Dũng cho biết, cuộc đối thoại ABAC tiếp tục kiến nghị với APEC ủng hộ tự do hóa thương mại và các hệ thống thương mại đa phương; thực hiện mục tiêu và tiến tới khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và trước mắt, các nền kinh tế thành viên TPP nên giữ vững động lực, đương đầu với thách thức để sớm thông qua hiệp định TPP. ABAC cũng đề nghị tăng cường an ninh và bền vững năng lượng; Đẩy mạnh an ninh lương thực (cắt giảm hàng rào phi thuế quan đối với thương mại lương thực – thực phẩm…); Khai thác tài nguyên bền vững; Xây dựng cộng đồng bền vững và bao trùm; Có chính sách phối hợp giữa các bộ ngành về y tế, tài chính và kinh tế để đảm bảo xây dựng lực lượng lao động có sức khỏe tốt.
Ông Dũng cho rằng, ABAC và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp hành động với Chính phủ để khắc phục những tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sự chủ động của doanh nghiệp là cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc làm thẻ doanh nhân APEC, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, thẻ doanh nhân APEC là loại thị thực đặc biệt được cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam cấp từ năm 2006 cho doanh nhân thường xuyên đi lại tại các nền kinh tế APEC. Sở hữu thẻ này, doanh nhân sẽ có nhiều quyền lợi như miễn thị thực 19 nền kinh tế khối APEC, ưu tiên các thủ tục hành chính nơi công cộng như sân bay, hải quan... Ông Lộc cho biết thêm, yêu cầu cấp thẻ khá đơn giản, các doanh nhân có nhu cầu đi lại ở khu vực APEC, có khả năng về tài chính và có những đối tác và cơ hội kinh doanh trong khu vực APEC sẽ được cấp thẻ. Đây là việc cần thúc đẩy để tạo thuận lợi cho giao thương của doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện mỗi địa phương làm một kiểu, giao cho các cơ quan khác nhau làm nên sắp tới VCCI sẽ làm việc với Bộ Công an để rà soát lại.