Nâng cao chất lượng trái thanh long tiêu thụ trên thị trường

Chủ nhật, 19/09/2021 12:28
(ĐCSVN) – Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái thanh long, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Long An đã đặt ra mục tiêu sản xuất 2000 ha thanh long theo ứng dụng công nghệ cao.
Sản xuất thanh long ở huyện Châu Thành, Long An. (Ảnh: Cẩm Vân) 

Theo đó, tỉnh Long An đã xây dựng 9 hợp tác xã, 70 tổ hợp tác xã trong vùng thực hiện đề án, trong đó hợp tác xã Dương Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành làm điểm của tỉnh về sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao.

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả và tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, Hợp tác xã thanh long Tầm Vu huyện Châu Thành hiện đã tập trung triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, tìm kiếm thị trường nước ngoài bằng cách đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Hợp tác xã đi Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc.

Các địa phương được quy hoạch trồng thanh long theo ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận vào các khâu như giống, canh tác, sau thu hoạch… đồng thời, triển khai sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới GlobalGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gồm hệ thống tưới tiết kiệm, các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong việc xác định lượng nước, lượng phân bón cần dùng vào từng thời điểm, giúp trái thanh long Châu Thành có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính trong tương lai.

Lãnh đạo huyện Châu Thành cho hay, chúng tôi xác định rõ, việc xây dựng mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ nâng cao sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền huyện đã nỗ lực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm từ thanh long.

Theo đánh giá, bước đầu mô hình phát huy được hiệu quả, trong mô hình lợi nhuận tăng thêm từ 2,5-5 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, ứng dụng các khoa học-kỹ thuật mới, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm, không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quản lý dịch bệnh hạn chế, hợp lý, nông dân hình thành thói quen ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng, lượng nước, tăng hiệu quả hấp thu phân bón.

Thời gian qua, diện tích thanh long phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh Long An. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Long An có trên 11.000 ha thanh long, trong đó, huyện Châu Thành và Tân Trụ có diện tích lớn nhất. Trung bình mỗi ha thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận từ 400 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Thu hoạch thanh long ở Long An. (Ảnh: Sơn Lâm) 

Phần lớn sản lượng thanh long của Long An đều xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Để đảm bảo tiêu thụ thanh long, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An đã phối hợp các địa phương có trồng thanh long củng cố lại hình thức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng sạch, hữu cơ; xây dựng thương hiệu; tiếp tục liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ thanh long; từng bước đa dạng hóa sản phẩm;…

Hiệp hội Thanh long thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tạo điều kiện về thủ tục, từng bước cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch để ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc…

Theo các địa phương có diện tích trồng thanh long lớn ở Long An, việc cấp mã vùng trái cây xuất khẩu cho các hợp tác xã trên địa bàn nhằm mở ra cơ hội giúp trái thanh long tiếp cận các thị trường khó tính, chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nâng cao hiệu quả cho người nông dân.

Đến nay, nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của của một số hợp tác xã sản xuất thanh long đã được công nhận tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc... Đây là cơ sở vững chắc để các hợp tác xã tự tin đẩu tư mở rộng sản xuất, phát triển theo hướng công nghệ cao.

Để nâng cao chất lượng trái thanh long nhằm phục vụ xuất khẩu và đảm bảo phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Long An đã đề ra nhiều giải pháp như ngành nông nghiệp Long An sẽ tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra sản phẩm; tỉnh Long An sẽ nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long. Ngoài ra, Long An mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ chế biến sản phẩm với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng./..

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực