Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 29/11/2016 17:02
(ĐCSVN) – Sáng 29/11 tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (KTHT&PTNT) phối hợp Tổng cục Dạy nghề và một số tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn kế hoạch, khung hướng đẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục KTHT&PTNT; ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề và bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Ma Quang Trung khẳng định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay, đa số lao động nông thôn có trình độ hạn chế, mà yêu cầu tái sản xuất nông nghiệp cộng với tác động của biến đổi khí hậu mạnh mẽ đối với sản xuất nông nghiệp và hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, nông dân chỉ sử dụng kinh nghiệm sản xuất sẽ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất thời kỳ mới.

Theo ông Trung, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra là sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, giá trị gia tăng tốt nên càng cần thiết phải đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt kết quả tích cực. Nhiều mô hình tại nông thôn có kết quả rõ rệt, không chỉ nâng cao trình độ nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức, đó là: ngành nghề nông thôn còn lúng túng, lẫn lộn giữa công nghiệp, nông nghiệp, thiên nhiều về tập huấn khuyến nông; chương trình đào tạo nghề nội dung giáo trình, kiến thức còn chưa phù hợp; quy định của nhà nước còn bất cập giữa các nội dung trung hạn, ngắn hạn, dài hạn. Do đó, Hội thảo lần này là cơ hội thuận tiện để các đại biểu cùng trao đổi thảo luận, nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý... (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, ông Hoàng Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu đã giới thiệu về Báo cáo nghiên cứu về “Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”. Theo đó, trong 3 năm 2014-2016, OXFAM đã tổ chức nghiên cứu về nội dung này nhằm phân tích các chính sách về đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, nhằm cung cấp các phân tích và đề xuất cho việc thiết kế và thực hiện các chính sách đào tạo nghề ngắn hạn hướng đến giảm nghèo bền vững đặc biệt ở vùng DTTS. Nghiên cứu được thực hiện ở 7 tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh với 9 huyện, 15 xã, 15 thôn tham gia vào mạng lưới quan trắc. Trong 15 xã tham gia mạng lưới quan trắc có 7 xã thuộc Chương trình 135, 5 xã thuộc huyện nghèo trong Chương trình 30a và 6 xã thuộc huyện khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ với mức hỗ trợ bằng 70% mức bình quân của huyện nghèo trong Chương trình 30a.

Nhân dịp này, ông Thành cũng thay mặt nhóm nghiên cứu nêu ra một số khuyến nghị chủ yếu về đổi mới nhận thức, chính sách đào tạo nghề ở cấp Trung ương và các giải pháp thực hành ở cấp địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hướng đến giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, Bộ LĐ-TBXH và Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và sổ tay thực hành nhằm thực hiện Quyết định 971/QĐ-TTg, trong đó chú trọng tích hợp chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau (người khuyết tật, phụ nữ, thanh niên, người nghèo/người DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khoăn,  thiếu đất sản xuất…) vào chung một văn bản, áp dụng chung cơ chế và quy trình thực hiện. Tiến hành bổ sung hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng người lao động di cư, “hộ mới thoát nghèo” và “người quá tuổi lao động nếu có đủ sức khỏe, có khả năng lao động và có nhu cầu học nghề”. Chú trọng đào tạo nghề bổ sung, chuyên sâu cho nhóm nông dân nòng cốt để tạo hiệu ứng tiên phong – lan tỏa trong cộng đồng, gắn với vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.

Liên quan tới đào tạo nghề nông nghiệp, cần hướng dẫn cụ thể về việc ngành NN&PTNT từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện thực hiện đầy đủ chức năng chủ trì quản lý, chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp (từ khâu xây dựng cơ chế chính sách, lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, chỉ đạo thực hiện, giám sát – đánh giá). Qui định cụ thể việc giao nhiệm vụ, cấp phép và phân bổ kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho các Trung tâm Khuyến nông.

Thể chế hóa việc áp dụng phương pháp “lớp học hiện trường – FFS” trong đào tạo nghề nông nghiệp. Có thể xem xét liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề trong thực hiện đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động cũng như xây dựng chương trình đào tạo nghề theo từng mô đun (một nội dung, một công đoạn trong qui trình sản xuất/dịch vụ) theo hướng kết hợp với chương trình khuyến công và khuyến nông./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực