Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Thứ năm, 09/11/2023 20:40
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp đông nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các doanh nghiệp lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng.
Hội nghị liên kết vùng với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững” 

Ngày 9/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế và Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành tổ chức Hội nghị liên kết vùng với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.

Hội nghị có ý nghĩa bởi được tổ chức trong bối cảnh cách đây 3 tháng, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 93 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2023 - 2030 trong đó đề ra những định hướng lớn cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.

Hội nghị không chỉ trao đổi và còn lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các cam kết quốc tế để từ đó phản ánh và kiến nghị với các bộ, ngành và Chính phủ phương án giải quyết, tháo gỡ các khó khắn, vướng mắc cho các địa phương và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành trao đổi 3 nội dung chính gồm: các xu hướng phát triển mới và dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP và định hướng công tác hội nhập trong thời gian tới ở các địa phương phía Nam; các yêu cầu, tiêu chuẩn mới từ các thị trường đối tác và tác động doanh nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây cũng là địa phương có hoạt động thương mại trao đổi đầu tư lớn nhất cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt trên 3,94 tỷ USD.

Để đạt được kết quả trên, Thành phố đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới.

TP Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp đông nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các doanh nghiệp lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa đạt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc triển khai các vấn đề trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng,… chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Với nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, nhằm đảm bảo việc hội nhập quốc tế có hiệu quả, các doanh nghiệp không chỉ chủ động mà các hiệp hội, ngành hàng, đơn vị cũng cần có chức năng đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này.

Về phần mình, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, để tăng cường xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cần lưu ý, phải nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường, hoàn thiện nhà máy và hệ thống quản lý; kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Cùng với đó cần thay đổi tư duy sản xuất chuyển từ số lượng sang chất lượng, đặt mục tiêu đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Đồng thời, thiết lập cơ chế hợp tác hữu cơ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo giá trị, chất lượng và an toàn cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

Mặt khác, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến. Đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Lập kế hoạch tổ chức sản xuất gắn với phát triển thị trường tiêu thụ

Áp dụng các quy trình sản xuất tốt (ViêtGAP, GlobalGAP), hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; Tiêu chuẩn hóa Quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho ăn tươi và chế biến; Phát triển sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ. Định hướng phát triển xanh và bền vững như: cơ sở hạ tầng nhà máy chế biến, sử dụng năng lượng tái tạo, bao bì sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, nguyên liệu có chứng nhận bền vững…

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng: Hiện nay, Việt Nam đang triển khai hội nhập sâu rộng và toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam vừa phải đảm bảo độc lập tự chủ, vừa phải gắn kết chặt chẽ với kinh tế thế giới để kịp thời nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập. Thế giới ngày nay đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tựu chung lại, có một số xu thế nổi bật như sau: Thế giới chuyển từ nền kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; Toàn cầu hóa chuyển dần sang khu vực hóa thương mại, xu hướng hợp tác song phương đang chiếm ưu thế so với hợp tác đa phương; Sự đấu tranh giữa xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và chống bảo hộ thương mại; Xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng trên thế giới sau đại dịch COVID-19...

Ông Trịnh Minh Anh dự báo trong 10 năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biến nhanh, phức tạp với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiếu tới môi trường an ninh, kinh tế của đất nước. Các thách thức nổi lên sẽ gay gắt hơn nhưng cũng xuất hiện những cơ hội mới. Theo đó, 10 năm tới Cục diện thế giới sẽ biến đổi nhanh hơn theo hướng đa cực, đa trung tâm với sự thay đổi mạnh mẽ trong tương quan so sánh lực lượng;  Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn hơn; Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí khủng hoảng trong một số lĩnh vực…

Ông Trịnh Minh Anh cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, cần tính đến những một số giải pháp chính sách như: tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… cần củng cố nội lực bằng việc quyết liệt thực hiện cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa.

Tiếp đến, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian thay thế nhập khẩu.

Cùng với đó, tận dụng tối đa những lợi thế mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và chủ động ứng phó với các tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết trong các FTA đã ký kết nhằm bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Song song đó, cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực.

Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực