Ngành Công Thương đóng góp tích cực vào phục hồi nền kinh tế

Thứ tư, 20/12/2023 21:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo Hội nghị.

Nêu tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đáng chú ý, trong năm 2023, Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Năm 2023, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả, sức mua của thị trường phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8 - 9%).

Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm 2023. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, hạn chế, vướng mắc để xác định giải pháp tháo gỡ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương sớm rà soát, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, trong đó, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp; khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, hydrogen, amoniac xanh, hệ sinh thái công nghiệp hàng hải và đường sắt tốc độ cao..

Nhấn mạnh các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tập trung hoàn thành và trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong năm 2023 theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm ban hành Kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia; khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà dân, công sở và khu công nghiệp; cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả phát triển các ngành điện, dầu khí, than bền vững, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo, chủ động tận dụng, phát huy có hiệu quả hỗ trợ về khoa học, tài chính xanh thông qua các cơ chế hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050; thí điểm triển khai các các dự án trang trại điện gió ngoài khơi...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế./.

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực