|
Một khu du lịch tại TP Phan Thiết. (Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, trong nửa đầu năm 2023, Bình Thuận lọt vào danh sách 9 tỉnh, thành phố trên cả nước có doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Dự báo địa phương này sẽ đón 8 triệu lượt khách trong năm nay. Tỉnh cũng đã về đích trước thời hạn mục tiêu đón khách năm 2023 với gần 7 triệu lượt khách, vượt 3,93% kế hoạch năm, tăng 75,8% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được những kết quả khả quan về du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ đó, những mục tiêu cụ thể, những chính sách định hướng và các giải pháp chiến lược kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Bình Thuận nâng tầm các khu đô thị ven biển phát triển du lịch.
Nghị quyết 06 định hướng chiến lược là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy hoạch định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp… Nghị quyết cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.
Bình Thuận xác định mục tiêu đẩy nhanh tốc độ xây dựng tỉnh trở thành địa phương mạnh về biển và ven biển; đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển. Trong nhiều nhiệm vụ, mục tiêu mà Bình Thuận triển khai thực hiện thì việc quy hoạch các khu du lịch ven biển, du lịch biển tạo dấu ấn rõ nét nhất.
Trên cơ sở Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-UBND, ngày 12/8/2013 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đến nay, các đô thị và khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh cơ bản được phủ kín quy hoạch chung xây dựng; trong đó hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển quốc gia trên địa bàn tỉnh (dài khoảng 43 km). Đây là cơ sở để kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện các dự án du lịch tại khu vực ven biển, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, du lịch gắn các khu vui chơi - giải trí - thể thao cao cấp, các trung tâm mua sắm, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch công cộng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh.
Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, có định hướng và gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch của tỉnh. Xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch Bình Thuận năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ tạo điều kiện để Hiệp hội Du lịch phát huy tốt vai trò đại diện cho các doanh nghiệp, doanh nhân; chủ động làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 600 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 17.658 phòng, có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp là: 6.028 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là: 70.432 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng diện tích đất cấp là 1.577 ha và tổng vốn đăng ký là: 11.231 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án.
Đặc biệt, năm 2023, Bình Thuận là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Bình Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh và trải dài khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước, được đông đảo nhân dân, du khách tích cực tham gia hưởng ứng và tạo không khí vui tươi phấn khởi…/.