Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau khi gửi văn bản đề nghị các Hiệp hội Du lịch địa phương, doanh nghiệp hội viên, doanh nghiệp liên quan đến du lịch đăng ký tham gia xã hội hóa chương trình vắcxin, đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch. Tính đến chiều tối ngày 4/6, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã đăng ký đóng góp kinh phí tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho 80.924 người.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắcxin để sớm miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống và công việc trở lại bình thường, các doanh nghiệp đã đăng ký số lượng người và địa điểm tiêm vắcxin. Trên cơ sở số người đăng ký, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắcxin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình của họ.
|
Nhiều Hiệp hội Du lịch địa phương, doanh nghiệp liên quan đến du lịch đăng ký tham gia xã hội hóa chương trình vắcxin. (Ảnh minh họa: HT). |
Trước tình trạng khan hiếm vắcxin trên thế giới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng mong Chính phủ vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắcxin về Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp. Chi phí vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho cả nước chắc chắn sẽ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, vì thế việc các doanh nghiệp du lịch chung tay, trả phí cho mũi tiêm của người lao động ngành mình là cần thiết.
“Việc các doanh nghiệp tham gia chương trình xã hội hóa vắcxin sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và giảm tải gánh nặng ngân sách của nhà nước dành để tiêm phòng dịch cho toàn dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi, vận động các doanh nghiệp ngành Du lịch tích cực ủng hộ Quỹ vắcxin phòng COVID-19 của Chính phủ”- Ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tính đến tháng 4/2021, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp lữ hành, trong đó hơn 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Từ tháng 3/2020, doanh nghiệp lữ hành quốc tế buộc phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang phục vụ khách nội địa. Vì vậy, ông Vũ Thế Bình cho rằng, lúc này cần thêm các giải pháp cấp bách khác để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Ngoài các chính sách về thuế, phí, tiền điện như những đề xuất trước đây, Hiệp hội đã từng đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa. Căn cứ vào đó, chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng (mức quy định cho mảng nội địa). Ông Bình cho rằng, quy định này phù hợp với thực tế, vì từ năm 2020 các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19 để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành Du lịch trong thời gian tới. Trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2021; Tiếp tục kéo dài chính sách về giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên; Đề xuất Chính phủ và và các địa phương có các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch là các doanh nghiệp, nhân viên lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên giai đoạn hậu COVID-19…/.