|
Các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh cho nông dân. (Ảnh: Hữu Hiệp). |
Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển nông nghiệp (NN), nông dân, nông thôn (“Tam nông”) giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng năm 2025, cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, nông dân đã nhận thức được ý nghĩa to lớn, yêu cầu cấp thiết của việc phát triển “tam nông” trong giai đoạn mới.
Theo đó, nông dân đã và đang từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất NN sang làm kinh tế NN; đã biết cân nhắc, thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng chống dịch bệnh. Sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP được người dân quan tâm thực hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận khá tốt, đã tạo được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm NN tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn cuối năm 2021 là 44 triệu đồng/người.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 68 xã đạt 19 tiêu chí (trong đó có 63 xã NTM). Các huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại đang hoàn chỉnh dự thảo Đề án xây dựng huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức phấn khởi cho biết: Toàn tỉnh có 131 sản phẩm được phê duyệt sản phẩm OCOP, trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao, 64 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, 9 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đã trình Trung ương chuẩn bị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Sau khi được công nhận tiêu chuẩn 5 sao, các sản phẩm sẽ được Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách sản phẩm OCOP tiêu biểu cả nước để quảng bá, xúc tiến thương mại nước ngoài.
Thông qua việc bám sát những nội dung nhiệm vụ cụ thể của Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM cũng gắn với phát triển NN, nông dân, nông thôn (theo Đề án cơ cấu lại ngành NN và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm NN chủ lực của tỉnh). Ngành NN tỉnh phát triển theo hướng toàn diện đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Kết quả đạt được khá toàn diện. Trong đó, ngành NN phát triển theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tỉnh bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm NN chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung…
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức: Trên lĩnh vực NN, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất để nhân rộng, có hiệu quả. Điển hình như 2 mô hình trồng trọt đối với dừa, xoài tứ quý; 3 mô hình chăn nuôi dê, gà, bò; 2 mô hình tôm càng xanh, tôm thẻ công nghiệp và 2 mô hình kết hợp tôm sú - lúa và tôm càng xanh - lúa ở huyện Thạnh Phú; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình nhân giống bưởi da xanh, cam sành sạch bệnh. Mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm dừa bước đầu được hình thành, phát triển, đặc biệt là sản xuất dừa hữu cơ..., góp phần ổn định sản xuất NN.
Việc cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được quan tâm thực hiện nhiều hơn. Có một số THT, HTX đã hình thành mối liên kết vật tư đầu vào và mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp. Đặc biệt, các THT, HTX liên kết sản xuất dừa hữu cơ.
Chuỗi dừa đã hình thành 47 THT, 27 HTX (giảm 4 THT, tăng 9 HTX 2019), với quy mô 5.194ha. Đến nay, toàn tỉnh có 13.125ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 7.249ha đã được chứng nhận. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó có 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 1.500ha.
Chuỗi bưởi đã hình thành 32 THT, 9 HTX, với diện tích liên kết ước khoảng 300ha. Diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 374ha. Phấn khởi bước đầu là Sở NN&PTNT đã hỗ trợ nông dân xây dựng 3 mã số vùng trồng thị trường châu Âu 69,6ha; cấp 186 ngàn tem truy xuất nguồn gốc. Nổi bật, HTX Bưởi da xanh Bến Tre có trên 100ha liên kết.
Chuỗi cây giống, hoa kiểng, hiện toàn tỉnh có 4 HTX, với 234 hộ tham gia, diện tích 54ha. Hiện tại, các ngành, địa phương đang rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất cây giống, hoa kiểng để hoàn chỉnh các kế hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung; lựa chọn các nhân tố tích cực tham gia chuỗi giá trị ngành hàng; triển khai chuyển đổi số với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX cây giống, hoa kiểng.
Được biết, tỉnh đang tập trung triển khai các chương trình, dự án, mô hình về ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm NN; chuyển giao và tiếp nhận 8 quy trình công nghệ. Tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh việc trao đổi hợp tác với các viện, trường trong việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào lĩnh vực NN nông thôn và đã triển khai thực hiện nhiều đề tài phục vụ nhu cầu phát triển của ngành NN./.