Ngành nông nghiệp đóng góp tích cực để phát triển bền vững

Thứ năm, 05/01/2023 16:55
(ĐCSVN) - Năm 2022, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 3%. Đánh giá về kết quả tích cực của ngành nông nghiệp vào sự ổn định, phát triển kinh tế chung, Tổng cục Thống kê nhận định: Hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm; quá trình tái cơ cấu đạt được nhiều kết quả tích cực.
 Nông nghiệp nước ta đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của kinh tế (Ảnh: PV)

Hiệu quả sản xuất tăng

Nhiều năm trở lại đây, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 85,4 triệu đồng/ha vào năm 2016 lên gần 102,8 triệu đồng/ha năm 2020 và 103,6 triệu đồng/ha năm 2021, năm 2022 ước đạt 104,8 triệu đồng/ha, tăng 1,2% so với năm 2021.

Ngành trồng trọt tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh và hiệu quả. Hiệu quả sản xuất tăng cao ở những vùng chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình kết hợp lúa – cá, nhân rộng mô hình ao nổi nhằm tăng sản lượng thủy sản. Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ giống nuôi truyền thống, tăng giống nuôi chất lượng cao tăng giá trị kinh tế và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 184,3 triệu đồng/ha năm 2016 lên 237,3 triệu đồng/ha năm 2020 và 241,2 triệu đồng/ha năm 2021, năm 2022 ước đạt 247,5 triệu đồng/ha tăng 2,6% so với năm 2021.

Tái cơ cấu có nhiều chuyển biến tích cực

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản diễn ra trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Sản lượng các sản phẩm chất lượng cao tiếp tục nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu của nhóm sản phẩm. Một số sản phẩm chủ yếu như thóc chất lượng cao, thóc nếp tăng tỷ trọng trong nhóm thóc từ 23,0% năm 2020 lên 28,6% năm 2022 (theo số liệu ước tính năm 2022); xoài cát chu, cát hòa lộc tăng từ 56,8% lên 58,1%, chôm chôm thái, chôm chôm đường tăng tỷ trọng từ 22,2% lên 32,6%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm giá trị kinh tế cao cũng nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành, như: hoa các loại chiếm từ 3,2% của ngành trồng trọt tăng lên 3,6%, sản phẩm cây ăn quả từ 14,9% lên 16,9%; tôm thẻ chân trắng từ 15,4% giá trị thủy sản năm 2020 lên 18,7% năm 2022…

Kết quả tích cực của sản xuất nông nghiệp cũng từng bước góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống dân cư và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã minh chứng rõ ràng và sinh động cho thực tế, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năng lực sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân. Cụ thể, năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch của Việt Nam ước đạt 42,6 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước, ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) của Việt Nam năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn, tăng 5,26%. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 2,7%.

Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 4,16 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 26,7%; Giá trị xuất khẩu muối ước đạt 4,8 triệu USD, tăng 55,7%...

Tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 3,83 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu năm 2022 đạt 44,72 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 3,4%; Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 3,32 tỷ USD, tăng 0,2%; Giá trị nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 2,75 tỷ USD, tăng 37,8%; Giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 3,9%; Giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 8,08 tỷ USD, tăng 10,5%; Giá trị nhập khẩu muối ước đạt 47,3 triệu USD, tăng 74,8%.

Năm 2022, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư 8,5 tỷ USD, tăng 29,9% so với thặng dư thương mại năm 2021.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, trên thế giới hiện có 345 triệu người có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói trên toàn cầu. Con số này cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, việc tự chủ sản xuất nông lâm thủy sản đã giúp đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững của đất nước và có những đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu./.

 

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực