Ngành nông nghiệp tích cực sản xuất để lấy lại đà tăng trưởng

Thứ năm, 01/09/2016 21:16
(ĐCSVN) - Chiều 1/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và quý IV năm 2016.

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT)

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8, toàn ngành tập trung phòng chống thiên tai, đối phó và khắc phục hậu quả của 3 cơn bão tại các tỉnh phía Bắc để nhanh chóng khôi phục sản xuất; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo phát triển nuôi tôm, trồng trọt và chăn nuôi để lấy lại đà tăng trưởng trong các tháng cuối năm.

Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất lúa, tính đến trung tuần tháng 8, cả nước đã gieo cấy đạt 1.368,2 nghìn ha lúa Mùa, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại các tỉnh miền Bắc đạt 1.142,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ; miền Nam xuống giống đạt 225,7 nghìn ha, vượt 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước đã gieo cấy được khoảng 2.085 nghìn ha lúa Hè Thu, trong đó, các tỉnh phía Nam, gieo cấy được 1.925,6 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước và thu hoạch gần 980 nghìn ha, chiếm 50,9% diện tích xuống giống. Năng suất ước tính bình quân trên diện tích thu hoạch đạt khoảng 57 tạ/ha (tăng 2,4 tạ/ha so với vụ Hè Thu trước). Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống đạt 497 nghìn ha lúa Thu Đông, cao hơn 24 nghìn ha (tăng 5%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên lĩnh vực thủy sản, ước sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng đạt khoảng 2.014 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khai thác biển ước đạt 1.896 nghìn tấn, tăng 1,4%; khai thác nội địa ước đạt 118 nghìn tấn, giảm 4,1%. Sản lượng thủy sản nuôi tháng 8 ước đạt 338 nghìn tấn, tăng nhẹ so với tháng trước; lũy kế 8 tháng đạt 2,3 triệu tấn, tăng 1,2%.

Trong tháng 8, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng cả về lượng và giá trị so với tháng 7/2016. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính tháng 8 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 9,4% so với với tháng 7/2016. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 8 ước đạt gần 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 7/2016, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn của báo chí tại cuộc họp báo về những nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, do nông nghiệp là ngành sản xuất chịu nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận đem lại bấp bênh. Cùng với đó là vấn đề về đất đai còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp. Để gỡ khó trong vấn đề này, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cần có chính sách mạnh hơn nhằm khuyến khích người dân cùng góp đất với doanh nghiệp để cùng sản xuất. Đơn cử như liên kết cánh đồng mẫu lớn, hiện nay, chúng ta đã có được 556.000ha thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, về vấn đề hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, Bộ NN&PTNT đã xây dựng xong Đề án khắc phục và phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân, dự kiến đầu tháng 9 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, đến ngày 15/9, các địa phương sẽ hoàn thành xong việc thống kê thiệt hại; khoảng cuối tháng 9, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ liên quan sẽ tổng hợp tình hình thiệt hại và trình Chính phủ, dự kiến đầu tháng 10, sẽ tiến hành phân bổ nguồn kinh phí đền bù thiệt hại tới các địa phương.

Tại buổi họp báo, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ triển khai quyết liệt tái cơ cấu, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhất là các địa phương ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL, rà soát chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng năm (ngô, đậu tương, vừng, lạc, rau màu khác) có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, tập trung khắc phục hậu quả của hạn hán ở NamTrung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và bão lụt ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển giống vật nuôi chất lượng cao; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Đồng thời, với ngành thủy sản, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, nhất là ở các vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn và ô nhiễm nguồn nước để hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra và giám sát thực hiện việc tuân thủ các quy định điều kiện nuôi; tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực