|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý có nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất này để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế (nội dung quy định tại điểm l tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật).
Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB trước đây, Bộ Tài chính đã từng đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga vào diện đối tượng chịu thuế TTĐB. Khi đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), các doanh nghiệp, chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin khoa học, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị gửi cơ quan soạn thảo và sau đó, đề xuất này đã được Ban Soạn thảo bỏ ra khỏi Dự thảo Luật. Tuy nhiên, với mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe người dân, đề xuất này giờ đây lại được đưa vào trở lại dự thảo Luật sửa đổi.
Nhiều cuộc hội thảo cũng như toạ đàm để góp ý cho dự thảo Luật này đã được tổ chức. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đề xuất đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát cần phải cân nhắc thật kỹ.
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Hội Khoa học Kỹ thuật và An toàn thực phẩm, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho hay, tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam do khẩu phần ăn và dinh dưỡng không cân bằng các chất; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế xã hội; ngủ ít; suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.
Do đó, theo ông Dũng, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết được tình trạng thừa cân béo phì. Cần phải thực hiện các giải pháp chống thừa cân béo phí như giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe; sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện Phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, việc đánh thuế TTĐB với các nước giải khát có đường tại một số nước chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng nước giải khát có đường nhưng lại tìm kiếm các nước giải khát khác có đường đơn giản hơn. Ví dụ, ở Bang California, Mỹ, sau khi áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường, năng lượng đưa vào từ nước giải khát có đường chỉ giảm 6 kcal, nhưng năng lượng từ nước giải khát thông thường khác lại tăng lên 35 kcal một ngày.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết, hiện trên thế giới có một số quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát cho biết, nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.
Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020, Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020. Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể.
Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ nước giải khát trên 100 lít/người/năm, chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát. Đức mặc dù là nước có tỉ lệ tiêu thụ nước giải khát cao nhất châu Âu cũng không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát.
Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỉ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường có thể dẫn tới nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp (TNDN); tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dẫn chứng thêm, theo ông Phụng, nếu sản lượng nước giải khát giảm 20% như Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo thì thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng sẽ giảm tương ứng. Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng đường đang được đề xuất tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho thu nhập của doanh nghiệp giảm và kéo theo thuế TNDN sẽ giảm tương ứng.
Vì vậy, ông Phụng cho rằng, cần đánh giá những tác động về thu ngân sách khi sản lượng nước ngọt giảm và thu từ thuế VAT và TNDN giảm tương ứng; cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường…). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB: "Khi chúng ta áp dụng và căn cứ vào TCVN như vậy thì đôi khi chúng ta lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng."
Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA, chia sẻ: "Việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm nước giải khát theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách. Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB, dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của Nhà nước"./.