Ngành than hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023

Thứ sáu, 12/01/2024 21:43
(ĐCSVN) – Năm 2023, sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của TKV, năm 2023 TKV tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Đó là việc phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than cho phát điện tăng cao đột biến trong khi điều kiện tài nguyên suy giảm tự nhiên và bị giới hạn bởi giấy phép khai thác. Đối với khai thác, chế biến khoáng sản, công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy alumina tại Tây Nguyên. Mặt khác, mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các đơn vị.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: congthuong.vn)

Vượt qua khó khăn và thách thức, TKV đã có một năm 2023 thành công khi sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay tăng 4,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ tiêu chính trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều đạt và vượt so với kế hoạch năm và tăng trưởng so với thực hiện năm 2022. Riêng chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước của Tập đoàn đạt gần 29 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so kế hoạch. Đây là số tiền nộp ngân sách nhà nước cao kỷ lục của Tập đoàn kể từ khi thành lập TKV đến nay, đóng góp vào tăng trưởng GDP chung cho cả nước.

Doanh thu toàn Tập đoàn trong năm 2023 đạt 170 nghìn tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch; lợi nhuận toàn Tập đoàn dự kiến đạt 6,05 nghìn tỷ đồng tăng 1,05 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Tập đoàn đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng cờ đơn vị xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2023.

Tổng tài sản năm 2023 của TKV là 116,29 nghìn tỷ đồng, giảm 5,96 nghìn tỷ đồng so với đầu năm 2023. Vốn chủ sở hữu thời điểm 31/12/2023 dự kiến đạt 40,21 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14 nghìn tỷ đồng; hệ số bảo toàn vốn 1,03 lần. Ngoài ra, TKV dự kiến còn nộp về nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận còn lại.

Tại hội nghị, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, bước sang năm 2024, TKV dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 25,5 nghìn tỷ đồng; tiêu thụ 50 triệu tấn than, xuất khẩu 1,4 triệu tấn, sản xuất 37,39 triệu tấn than, nhập khẩu 14,3 triệu tấn than, tuỳ theo tình hình thị trường để điều chỉnh cho phù hợp; sản lượng phát điện 10,5 tỷ kWh...

Để hoàn thành mục tiêu năm 2024, TKV sẽ giải quyết những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, khai thác vượt công suất thiết kế, về thăm dò phát triển tài nguyên, thuê đất… thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về năng lượng quốc gia; phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.

Cùng đó, Tập đoàn thực hiện các giải pháp nhập khẩu than linh hoạt đảm bảo cung cấp đủ than nhập khẩu với chất lượng và chủng loại phù hợp cho công tác pha trộn than; thực hiện trách nhiệm chính trị về cung cấp đủ than cho các nhà máy điện mà Tập đoàn đã ký hợp đồng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng trưởng hợp lý.

Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới tiên tiến hiện đại, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than - khoáng sản; tăng thời gian làm việc hữu ích của người lao động, tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, an toàn môi trường, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động.

Tập đoàn cũng thực hiện đề án chuyển đổi số và liên thông cơ sở dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý điều hành; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư, tập trung nghiên cứu thăm dò, đầu tư phát triển alumin và nhôm nhằm tạo động lực dẫn dắt phát triển công nghiệp tại các tỉnh vùng Tây Nguyên….

TKV cũng cần nghiên cứu để có chiến lược phát triển ngành nhôm; cập nhật, phát huy bảo toàn hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp lại cơ sở nhà đất để có nền tài chính minh bạch và quản lý được tài sản của Tập đoàn. Đồng thời, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận; chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên cũng như đẩy mạnh cơ giới hóa, tin học hóa và chuyển đổi số, nâng cao năng suất cho người lao động./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực