Hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp” (Ảnh: BT)
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa khá phong phú, bình quân hàng năm đạt gần 2.000mm, hệ thống sông, suối có mật độ cao. Tuy nhiên, phân bố mưa và dòng chảy trong năm không đều, khoảng 75% lượng mưa và dòng chảy tập trung vào 3-4 tháng mùa mưa, 25% lượng mưa phân bố ở 6-7 tháng mùa khô. Đây là nguyên nhân dẫn đến nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai liên quan đến nước như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Thực trạng trên đòi hỏi công tác ngành thủy lợi cần có những giải pháp đúng đắn, hợp lý để ứng phó với các loại hình thiên tai và phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, hiện nay, các hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 7,5 triệu ha đất trồng lúa; 1,65 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp và tiêu cho khoảng 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Cùng với đó, góp phần nâng mức bảo đảm phòng, chống lũ, bảo vệ các khu dân cư, đô thị.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, trước yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu tăng trưởng ngành nông nghiệp, ngành thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, rất cần được quan tâm khắc phục. Trong đó có thể thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hiện tượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa tập trung cường độ cao trong thời gian ngắn; nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại, là những nguyên nhân gây nên tình trạng dòng chảy sông suối bị suy giảm, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, úng ngập,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Điển hình thời gian gần đây, mùa khô các năm 2015-2016, lượng mưa trung bình ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên chỉ đạt 60-70% trung bình nhiều năm, có nơi khoảng 50% (Ninh Thuận, Khánh Hòa); xuất hiện băng, tuyết tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc vào tháng 1/2016. Trong 2 năm 2015 - 2016, ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, có khoảng 80.000ha đất lúa phải dừng sản xuất và khoảng 50.000ha cây trồng bị ảnh hưởng đến năng suất. Cùng với đó, việc các nước ở thượng nguồn các hệ thống liên quốc gia liên tục xây dựng các hồ chứa nước thủy điện, công trình lấy nước lớn đã gây nhiều hậu quả cho vùng hạ du như: suy giảm bùn cát dẫn đến xói lở, suy giảm dòng chảy làm mực nước bị hạ thấp, gia tăng xâm nhập mặn, thiếu nước vào mùa khô, tăng nguy cơ lũ lụt vào mùa mưa.
Trước thực trạng trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, rất cần nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ thủy lợi.
Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình có quy mô nhỏ, tăng cường hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi. Đồng thời, cần chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về công tác thủy lợi là phục vụ sang đúng bản chất là tính dịch vụ. Thông qua đó, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất.
Chỉ ra những khó khăn ngành thủy lợi đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai còn nhiều tuyến đê sông, đê biển và công trình dưới đê chưa đảm bảo yêu cầu chống lũ, bão theo tiêu chuẩn thiết kế, nhất là đê cửa sông, đê biển khu vực phía Nam. Nhiều hồ chứa bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý; công trình kiểm soát nguồn nước tại một số hệ thống sông lớn chưa được triển khai xây dựng.
Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy được nguồn lực của các doanh nghiệp và cộng đồng. Do vậy, về cơ bản công tác phòng ngừa mới chỉ dừng ở xử lý tình huống, chưa bài bản, căn cơ lâu dài, đôi khi thiếu thống nhất giữa các Bộ, ngành và mới chỉ tập trung ở một số loại hình thiên tai.
Vì vậy, theo Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài, rất cần nâng cao năng lực cộng đồng, phấn đấu đến năm 2030, trên 70% số xã xây dựng được kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng và lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, phòng, chống sạt lở, di dân vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét và trượt lở đất đá khu vực miền núi.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác ngành thủy lợi đáp ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất, cần nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, quản lý rủi ro thiên tai và an toàn đập bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến và hiện đại để nâng cao nâng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Nghiên cứu giải pháp cấp nước phục vụ chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, các giải pháp cấp nước cho vùng khô hạn khu vực miền Trung, Tây Nguyên (liên quan đến các giải pháp tăng khả năng trữ nước mặt và nước ngầm,…). Đồng thời, đề xuất giải pháp kiểm soát mực nước sông Hồng vào mùa kiệt đảm bảo chủ động cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác dưới tác động của biến đổi khí hậu và khai thác ở thượng nguồn./.