Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thiên tai, nhưng trong năm 2016 ngành thủy sản vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng
(Ảnh: BT)
Năm 2016, ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: rét hại ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ những tháng đầu năm, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự cố gắng, vượt khó vươn lên của nông, ngư dân, doanh nghiệp, sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển bền vững, góp phần duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Ước cả năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,7 triệu tấn; diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 7 tỷ USD. So với kế hoạch năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi trồng và kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra, riêng tổng sản lượng thủy sản tăng 5,2%; sản lượng khai thác tăng 14,1%.
Về kết quả nuôi trồng thủy sản, đầu năm 2016, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, vụ 1 nuôi tôm thả chậm và ít do thời tiết khắc nghiệt. Với sự hướng dẫn kịp thời, năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 700.000ha, sản lượng ước đạt 650.000 tấn, đạt 95,6% so với kế hoạch, tăng 3,17% so với năm 2015.
Về nuôi cá tra, theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương đang phát triển chuỗi giá trị cá tra theo hướng hợp tác các hộ nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp; cung ứng vật tư đầu vào với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm để giảm thiểu hiện tượng mất cân bằng cung cầu, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Diện tích thả nuôi cá tra năm 2016 ước đạt 5.050ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 1,15 triệu tấn. Với các đối tượng nuôi thủy sản khác, trong năm, cá rô phi khá ổn định, diện tích khoảng 25.000ha, sản lượng ước đạt 200 nghìn tấn. Với sản phẩm cá rô phi, có 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất là: Mỹ (trên 6 triệu USD/năm), Tây Ban Nha (trên 3 triệu USD/năm) và Colombia (trên 3 triệu USD/năm).
Trên lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, đến nay, cả nước đã có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó, 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Cùng với đó, đến nay, cả nước đã có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250ha, sản xuất được khoảng 25-28 tỷ con cá bột, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và cung cấp đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2016, ngành thủy sản vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Cụ thể, công tác thông tin, số liệu đầu vào phục vụ công tác quản lý nghề cá còn thiếu và chưa thống nhất. Điều này đã gây khó khăn cho việc tham mưu các quyết định quản lý.
Cùng với đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản ở một số địa phương còn chưa được quan tâm thực hiện dẫn đến không đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử lý số liệu khai thác thủy sản còn hạn chế. Ở một số nơi, một số thời điểm, việc cấp giấy phép hoạt động khai thác thủy sản còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu lực quản lý thông qua việc cấp phép.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2017, ngành sẽ phấn đấu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Năm 2017, ngành lấy công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm thủy sản là nhiệm vụ ưu tiên.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, theo Tổng cục Thủy sản, ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực sản xuất của ngành. Trong đó, triển khai hiệu quả các dự án giống, thúc đẩy nhanh chương trình tôm thẻ chân trắng bố mẹ sạch bệnh và chương trình chọn tạo giống tôm sú, dự án phát triển giống rô phi. Đồng thời, chủ động sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực; phấn đấu đến năm 2020, sản xuất 100% giống có chất lượng và 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh.
Thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Tiếp tục duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm, rừng ngập mặn, tôm – lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng có lợi thế, đồng thời, đẩy mạnh nuôi rô phi, nhuyễn thể, cá biển, trồng rong biển.
Trên lĩnh vực khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ thực hiện rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý giúp các địa phương đẩy mạnh phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng ven bờ và vùng lộng; gắn vai trò trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ với các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hình thức tổ chức sản xuất trên biển (theo chuỗi). Nhân rộng các mô hình tổ chức liên kết sản xuất trên biển như: tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản,…
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khuyến nông quốc gia nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo quản sau thu hoạch cho nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam. Mặt khác, tổ chức các lớp tập huấn bảo quản sau thu hoạch và an toàn vệ sinh thực phẩm cho ngư dân, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch./.