Nghề gốm Đồng Nai vẫn tăng trưởng trước khó khăn
Thứ năm, 06/10/2016 15:54 (GMT+7)
Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, trong 9 tháng qua, xuất khẩu gốm của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai tăng từ 15 - 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đồng Nai
Trong bối cảnh các cơ sở sản xuất gốm ở Đồng Nai đang phải chuyển đổi, di dời đến vị trí mới, mức tăng trưởng này là cao, cho thấy doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Ông Vòng Khiềng - Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết với các đơn hàng đã có, các doanh nghiệp gốm vừa và nhỏ ở Đồng Nai năm nay sẽ xuất khẩu đạt từ 3 - 8 tỷ đồng. Riêng Công ty gốm Việt Thành hiện đã xuất khẩu được 1,2 triệu USD, dự kiến cả năm đạt 1,5 triệu USD; Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ cả năm dự kiến là 2 triệu USD.
Trước đây, hầu hết xuất khẩu đồ gốm của Đồng Nai chủ yếu sang Mỹ và các nước châu Âu, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp vì chịu sự cạnh tranh gay gắt của gốm sứ Trung Quốc; đồng Euro mất giá cũng khiến sức mua tại thị trường châu Âu giảm sút. Ông Vòng Khiềng đánh giá: “Xuất khẩu của các doanh nghiệp gốm ở Đồng Nai hiện chỉ bằng 40% so với những năm 2000. Đơn cử như Hợp tác xã gốm Thái Dương, trước năm 2000 luôn duy trì mức xuất khẩu trên 20 tỷ đồng/năm nhưng năm 2016 công ty này chỉ dự kiến đạt 8 tỷ đồng. Dù vậy, nghề gốm phục hồi như hiện nay là tín hiệu tích cực, thể hiện các cơ sở làm gốm đã thay đổi cách sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình, tìm kiếm thêm được thị trường mới”.
Theo các nhà nghiên cứu, nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai có lịch sử hơn 300 năm và là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, nên gốm Biên Hòa đã kết hợp được những tinh hoa của gốm Chăm - Hoa - Việt. Điều này đã tạo cho nghề gốm nơi đây có đặc trưng riêng với những sản phẩm đất trắng mỏng, nhẹ cùng màu men đa dạng, nét chạm khắc độc đáo, tạo hình nổi.
Đặc biệt, chỉ duy nhất ở Biên Hòa sản xuất gốm đất đen với những sản phẩm có độ bền cao, không bị phai màu do tác động của ngoại cảnh. Năm 2000, tỉnh Đồng Nai đề ra chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa vào cụm nghề gốm Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa), song từ đó đến nay việc di dời vẫn dở dang. Do vướng quy hoạch nên doanh nghiệp không thể đầu tư công nghệ mới, sản phẩm không theo kịp thị trường, chưa kể phải cạnh tranh với đồ gốm Trung Quốc. Đây là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm ở Biên Hòa phá sản, nghề gốm tàn lụi./.
Công Phong/TTXVN